Friday, January 20, 2012

Tạp Luận 2: Dòm Vào Cửa Khổng - Ngô Đình Vận



Tạp Luận 2

DÒM VÀO CỬA KHỔNG

Ngô Đình Vận

Chân thành tưởng niệm vô vàn vong linh đã chết thảm bởi các sự kỳ thị do ảnh hưởng Khổng Học gây ra kéo dài nhiều thời đại.

Đây chính là lý do thôi thúc chúng tôi tìm hiểu môn Khổng Nho để viết Tạp Luận.

Ngô Đình Vận
Orange County, California, USA
January 18, 2012

          Giao hẹn (Phàm lệ)

1-  Tạp luận viết đơn giản, nôm na là cách nói của người Việt, ít dùng từ Hán Việt, chia vấn đề tìm hiểu thành từng mục ngắn để mong có nhiều người đọc.
2-  Khổng Tử chỉ riêng về Trọng Ni, còn Khổng Học là cả một môn phái.
3-  Việc tìm hiểu được thực hiện qua một số sách viết về Khổng Học, sư trích dẫn chỉ dùng phần Việt ngữ trừ vài trường hợp phải trích ít câu ngắn chữ Hán đọc theo âm Việt.
4-  Các trích dẫn được ghi rõ xuất xứ, trong trường hợp không tìm được nguồn gốc thi ghi “người xưa có nói hoặc có sách viết đại ý rằng”. Việc tổng hợp nhiều tài liệu rồi rút gọn thì không thể ghi đủ xuất xứ được.

Tìm hiểu qua sách sử rồi bàn luận về Khổng Học là điều rất khó vì đây là môn Cổ học đã ra đời từ trên 2400 năm tính từ khi Khổng Tử thu nhận học trò.

          Khổng Tử nhận học trò dễ dàng, không kể sang hèn để đào tạo thành người tài đức ra làm quan giúp nước và còn có thể tiến xa hơn là trị quốc, bình thiên hạ.

          Trai tráng ở giai cấp bình dân thời bấy giờ nghe Khổng Tử nhận học trò để dạy cho 6 nghề (lục nghệ) gồm Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu thì mừng như bắt được vàng, bởi vì việc học ở thời Xuân Thu vốn chỉ dành riêng cho giai cấp quý tộc ở chốn cung đình.

          “Khổng Tử tuyển sinh” đề tài nóng sốt quá chừng nên chỉ ít ngày thầy Khổng đã có một đám đệ tử trên một chục người. Được nhập bọn đi theo Nho đoàn xóm Trâu của Thầy lang thang du thuyết thì đã đủ hãnh diện với bà con chòm xóm rồi. Học Khổng Nho biến thành cái mốt thời trang “Tân trào tiến bộ”.

          Trong sách Luận Ngữ do Nguyễn Hiến Lê dịch ở trang 123 ghi rằng “Khổng Tử nói: Ai dâng lễ để xin học từ một bó nem trở lên ta chưa từng (chê là ít) mà không dạy”.

          Học là điều cốt yếu của Khổng Nho, nên cũng trong Luận Ngữ trang 102 ghi “Khổng Tử nói: Trong một ấp mười nhà, tất có người trung tín như Khâu, nhưng không có ai ham học như Khâu này”.

          Tuy nhiên nói thì dễ nhưng vào cửa Khổng thì rất “nghiêm và buồn” nên sách Luận Ngữ trang 114 viết “Khổng Tử nói: Người ta có tư chất từ bậc trung trở lên thì có thể giảng đạo lý cao xa được, người có tư chất từ bậc trung trở xuống không có thể giảng cho đạo lý cao xa được”.

          Nhan Uyên được thầy Khổng khen là giỏi nhất còn phàn nàn là đạo của thầy ta cao quá, nhiều đệ tử khác ước mong đạo của thầy hạ thấp xuống để dễ học hơn.

          Chúng tôi không phải là đệ tử nhà Nho, chẳng là kẻ sùng Khổng hay sính Khổng. Từ lúc còn bé đã sợ thầy Đồ với cái hình ảnh nghiêm và buồn tay luôn luôn cầm cái roi mây, thầy thích giải buồn bằng cách quất tía lia vào mấy anh lớn đang ê a “Thiên Trời, Địa Đất, Cử Cất, Tồn Còn…”. Cũng may lớn lên vài tuổi cái màn học chữ Nho đã nguội rồi nên tôi bị ép đi học chữ Tây. Thầy giáo mặc đồ Tây thường đút tay vào túi quần, miệng nói xì xồ. Thầy chỉ rút tay ra khi ngồi sau bàn để khảo bài, đứa nào không thuộc thì xòe tay ra “ăn thước kẻ”.

          Chúng tôi phải kể lể “đầu cua tai nheo” dài dòng văn tự như vậy chẳng qua có chủ đích diễn tả chúng tôi hoàn toàn tự do, độc lập không bị bất cứ một thứ áp lực nào để viết Tạp luận theo cách “quậy và vui”.

          Hiện nay trên thế giới có cả hàng vạn con người đang nghiên cứu về Khổng Học đều nghiêm túc cho dù họ thuộc nhiều phái sùng Khổng, sính Khổng hay đả Khổng…Phần lớn những người nghiên cứu ở các nước Châu Á như Trung Hoa, Đài Loan, Tân Gia Ba, Nhật Bản, Việt Nam, Triều Tiên…

          Tìm hiểu Cổ học  khó quá vì tài liệu, sách cũ rất ít; Những kiếp người tỵ nạn mấy ai đem được sách đi. Có một số người yêu sách đi theo diện bảo lãnh, HO nếu có mang sách đi theo thì cũng chỉ được vài thùng.

          Sách đã hiếm thế mà trong số sách cổ còn bị cái nạn sách giả, người đời sau viết ra rồi đề tên các nhân vật nổi tiếng thời trước, kẻ hậu bối chép lại sách của tiền nhân tùy tiện thêm bớt lung tung.

          Ngay trong thời Xuân Thu Chiến Quốc Hàn Phi Tử (280-233 TCN) cũng tố cáo rằng “Khổng Tử, Mặc Tử đều nói Nghiêu Thuấn mà chỗ giữ lại, chỗ bỏ đi không giống nhau và tự cho lời mình là của Nghiêu Thuấn thật. Nghiêu Thuấn không sống lại, còn biết ai quyết định cho Nho, Mặc đằng nào thật nữa”.

          Câu chuyện Hàn Phi Tử nói trên được trích ở trang 78 sách Lịch Sử Triết Học Phương Đông của Nguyễn Đăng Thục (LSTHPĐ-NĐT).

          Ngay trong thời Khổng Tử chúng ta cũng đọc thấy chuyện Tử Cống chê trách những kẻ tiểu nhân ăn cắp sáng kiến, ý tưởng của người khác, hãy đọc Luận Ngữ trang 296 viết “Tử Cống hỏi: Người Quân tử có ghét ai không? Khổng Tử đáp: Có, ghét người nói điều xấu của kẻ khác, ghét kẻ dưới mà hủy báng người trên, ghét kẻ dũng mà vô lễ, ghét người quả cảm mà cố chấp. Khổng Tử hỏi lại Tử Cống: Tứ, anh có ghét ai không? Tử Cống thưa: Con ghét kẻ ăn cắp sáng kiến của người khác mà tự cho là của mình tìm ra (họ tự cho là khôn), ghét kẻ không khiêm tốn mà tự cho là dũng, ghét kẻ bới móc việc riêng của người mà tự cho là ngay thẳng”.

        Cũng sách Luận Ngữ trang 99 ghi: “Khổng Tử nói: Ai bảo Vi Sinh Cao là người ngay thẳng? Có người đến xin giấm, ông ta xin của hàng xóm mà cho”. Chuyện riêng của Vi Sinh Cao mà Khổng Tử đem nói với học trò thì tệ quá!

          Nói tới chuyện sách giả thì đời nào chả có, Lịch Sử Triết Học Phương Đông trang 78 ghi: “Trang Tử (365-290 TCN) gọi nạn giả dối trong sách là trùng ngôn còn Khang Hữu Vi (1858-1937) gọi là Thác Cổ Cải Chế và Thác Cổ Phát Tài”. Diễn nôm và giải ra là người đời sau làm sách giả để dựa hơi vào uy tín của tiền nhân và thứ hai là làm sách để hốt bạc.

          Nhiều cuốn sách nổi tiếng bị các nhà nghiên cứu đời sau coi là sách giả chẳng hạn như các cuốn Quản Tử , Đại Học, Trung Dung… Nhiều học giả như Khổng Dĩnh Đạt đời Đường, Trịnh Tiều, Chu Hy đời Tống, Thôi Thuật đời Thanh đều cho là Khổng Tử không san định Kinh Thi mà chỉ chọn 300 bài (có chỗ nói là 305) để phổ nhạc.

          Sách Luận Ngữ ghi nhiều chuyện về Khổng Tử thích nhạc, ông học nhạc của nhạc sư, ông nghe nhạc Thiều của vua Thuấn mà quên ăn, ông thích ca hát, có người mời ông điều khiển ban hát ông cũng làm luôn. Điều lạ nhất là trò Phổ Nhạc Kinh Thi, diễn nôm ra là ông lấy lời của các bài dân ca thuộc nhiều xứ khác để ngâm theo các thể điệu của đời Thuấn, đời Chu.

          Chuyện này cũng giống như là “Râu ông nọ cắm cằm bà kia” chẳng khác gì lấy lời của một ca khúc Tango Argentina rồi cố ráp vô điệu Lý Quạ Kêu để hát bằng được.

          Có thể lối phổ thơ này đã ảnh hưởng tới Giao Chỉ qua thời Đông Hán trong trong đời Linh Đế (168-189), đã cho người bản xứ ở đất Giao Chỉ là Lý Cầm, Lý Tiến đi làm quan. Từ đó các nho sĩ Việt đã đẻ ra lối ngâm nga chữ Hán theo âm Việt. Lối ngâm nga này thì người Hán thứ thật có nghe cũng chẳng hiểu các ông nho sĩ Việt ca hát cái gì, tuy nhiên chuyện này chỉ là sự lạm bàn rất cần có tài liệu chứng minh vì nó liên quan tới xuất xứ của việc thành lập chữ Nôm mà có giả thuyết cho là có từ thời Đông Hán.

Bàn về việc nghiên cứu Cổ học cũng có 3 khuynh hướng khác nhau:

1)  Người đời sau có quyền phán xét lịch sử, nói cách khác người đời sau có quyền phê phán các thời đại trước mà sách Luận Ngữ bảo là “Ôn Cố Tri Tân”.
2)  Muốn đánh giá một nhân vật nào thì phải đặt họ vào đúng thời đại của họ sống.
3)  Cổ học là đồ bỏ xem chỉ mất thì giờ, có kiếm được đồng nào không? (rất đông người đã nói như vậy).

Trong khuôn khổ Tạp luận theo cách “Dòm vào cửa Khổng” chúng tôi chọn khuynh hướng thứ nhất theo sự khuyến khích của chính Thầy Khổng là Ôn Cố Tri Tân.

          Đọc lại sử sách chúng ta cũng thấy rõ rằng Khổng Tử (551-479 TCN) ở thời Xuân Thu đã luôn luôn lội ngược về tận thời Thượng Cổ. Ông luôn luôn phê phán Tam Hoàng, Ngụ Đế để dạy dỗ họ trò thì có sao đâu. Khổng Tử cũng luôn luôn lấy lẽ đạo đức từ thời Nghiêu Thuấn để khuyên bảo thiên hạ mà chuyện Nghiêu Thuấn thực hư ra sao chẳng ai biết, ngay cả thời đại Nghiêu Thuấn có trước Công nguyên mấy ngàn năm thì cũng chỉ là Huyền sử.

(còn tiếp)

TT Obama Nên Dè Chừng Khổng Học - Đỗ Bạch Dương


TT OBAMA NÊN DÈ CHỪNG KHỔNG HỌC

Đỗ Bạch Dương

          Phát ngôn viên Bạch Ốc Jamie Smith ngày 11 tháng 01 năm 2012 đã xác nhận rằng Tổng Thống Obama đã gặp cặp tài tử Angelina Jolie - Brad Pitt và bàn về việc ngăn chặn bạo hành đối với phụ nữ.

          Tin trên đây là niềm vui mừng cho phụ nữ ở khắp nơi; Tuy nhiên, Tổng Thống Mỹ và Đại Sứ Liên Hiệp Quốc Angelia nên để tâm dè chừng các học viện Khổng Tử mở ra ở Hoa Kỳ, Canada và nhiều nước trên thế giới.

          Sở dĩ chúng tôi báo động vì Khổng Học là môn dạy người ta kỳ thị nữ giới một cách sâu rộng nhất với cái khuôn thước “Trọng Nam khinh Nữ” của Trung Hoa.

          Việc cho mở các học viện Khổng Tử thì quả là lấn cấn trong khi hô hào ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ.

          Chiếu theo sách vỡ thì Khổng Tử là “The King of discriminating against women”. Hơn thế nữa, theo Quỳnh Chi của đài RFA ngày 21 tháng 12 năm 2011 đã tường trình rằng: … Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài xem học viện Khổng Tử như một “quyền lực mềm” nhằm quảng bá kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ và ngoại giao. Thậm chí đã có những quan ngại cho rằng những học viện này có thể đóng vai trò tình báo của một số nhân vật đối với học viện Khổng Tử tại Vancouver, Canada hồi năm 2008, 2009…

          Từ các chi tiết thời sự trên đây không biết những hội đoàn phụ nữ ở Hoa Kỳ rồi đây sẽ phản ứng thế nào khi họ biết được Khổng Học dạy môn “Kỳ Thị Nữ Giới”. Biết bao hội đoàn phụ nữ đã lên tiếng cằn nhằn, phản đối, thưa kiện về những kẻ ác độc đã cư xử tệ hại đối với chó, mèo, hải ly, cá heo… cho nên nếu biết được chuyện kỳ thị của Khổng Học mà “bỏ qua thì rất uổng”.

          Đọc trên “mạng điện toán” thấy quý chị Lê Thị Hồng, Tạ Thị Lương… cũng đang ì xèo về vụ Khổng Tử…

          Theo truyền thống con gấu tìm mồi “đặc sản California là cứ kiện tía lia; trúng trật tính sau” quý chị nên mời thêm bạn học cũ như Trưng Vương, Gia Long, Bùi Thị Xuân, Lê Văn Duyệt, Tống Phước Hiệp… đâm đơn “hỏi thăm sức khỏe” cụ Khổng cho vui ba ngày Tết.

Đỗ Bạch Dương
January 14, 2012

Saturday, January 14, 2012

Mó… Khổng Tử - Nguyễn Xuân Bá





MÓ… KHỔNG TỬ

Nguyễn Xuân Bá

          Chuyện đời ư? - Vạn nẻo đường
          Cứ lang thang mãi biết phương nào về
          Ùn ùn phố phố xe xe
          Cứ trông lốc bụi cứ nghe thét gào 
            

             (Hoàng Cầm)

          Cách nay vài hôm, tôi được người bạn giới thiệu trang Lạch Xuân Hương. Nghe cái tên nửa tục, nửa thanh. Tôi háo hức muốn vào xem cho được. Thật ra, tôi là người nhiều tục hơn thanh, nên hễ nghe cái gì có hơi hướng như lối viết của Nữ Sĩ Hồ Xuân Hương thì thế nào cũng tìm đọc một cách say sưa thích thú.

           Mới bước vào ngưỡng cửa Lạch Xuân Hương, chưa thấy bài nào tục tục, thanh thanh, đã chạm ngay phải bài của ký giả Ngô đình Vận về “Tội Khổng Tử”. Nghe đến ghê người! Sau đó, hai vị nữ lưu, bà Lương viết trước, bà Hồng viết sau. Hai bà viết tựa như nhau. Bà nào cũng mong các bậc cao minh, hiểu đạo Thánh Hiền lên tiếng soi sáng cho những gì còn luẩn quẩn trong đầu một số người về những hậu họa của văn hóa Khổng Mạnh (?) Cái thứ văn hóa mà suy ra là căn nguyên của diệt sinh, trọng Nam khinh Nữ.

          Bà Lương nhắc lại : “nhất Nam viết hữu, thập Nữ viết vô” (một con trai kể như có, mười con gái kể như không.)

          Từ quan niệm này, đã có hàng triệu thai nhi là gái bị bóp chết ngay trong lòng Mẹ. Đồng thời tạo ra nếp sống truyền từ đời này đến kiếp kia, phụ Nữ trong xã hội Đông Phương bị đương nhiên đối xử như công dân hạng hai.

          Quan niêm này còn cổ súy cho nền đô hộ tinh thần người Tấu truyền tụng và áp dụng trên người Việt : Phụ Nữ đi ngang hình quan Công (một vị quan bên Tầu) mà không khom người tôn kính thì bị quan Công phạt !

          Đả phá quan niệm trọng Nam, khinh Nữ, người Việt mình  đã truyền tụng và sống với những câu ca dao, nhằm cân bằng Nam, Nữ :

          Một trăm đứa con trai, không bằng lỗ tai đứa con gái

Một trăm  đứa con gái, không bằng hòn d . .  đứa con trai

          Ngay trong xã hội và chốn cung đình Trung Hoa qua nhiều thời đại, cũng đã nổi lên Tứ Đại Mỹ Nhân :

          Tây Thi, thời Xuân Thu

          Điêu Thuyền, thời Tam Quốc

          Dương Quý Phi, Nhà Đường

          Bao Tự, Nhà Chu

          Phải chăng ý nghĩa phong cách sống lẫy lừng trong nhân gian hồi đó của 4 mỹ nhân Trung Hoa cũng là cách muốn xóa sạch quan niệm của Khổng Tử coi phụ nữ là “tiểu nhân”, chỉ có Nam Nhi mới là quân tử ?

          Ngày nay vì muốn kéo dài thời gian quyền lực trên đất nước Trung Hoa, đảng Cộng Sản Tầu muốn lợi dụng triết lý “trung quân” của Đạo Khổng, mà trước đó, thời Mao trạch Đông đã ra lệnh tru diệt.

          Hiện Bắc Kinh đã tìm cách mở nhiều trường dậy học thuyết Khổng Tử trên nhiều quốc gia. Theo dự án của Bắc Kinh, năm tới sẽ có hàng trăm trường loại này hoạt động, ngay cả ở Mỹ. Bắc Kinh muốn Hanoi áp dụng học thuyết Khổng Tử trong  học đường như  bên Tầu đang làm. Cốt lõi của dự án này chỉ nhằm khai thác học thuyết “trung quân” của Khổng Tử là trung với Cộng Đảng.

          Dự án này cũng chỉ nằm trong kế sách kéo dài thời gian cầm quyền của cả Bắc Kinh và Hanoi. Đối với hải ngoại dự án vừa nói là cánh tay nối dài của nghị quyết 36 do Hanoi chủ trương. Rồi đây trong cộng đồng Việt hải ngoại sẽ có nhiều “tay” chạy cờ cho kế hoạch này của Hanoi.

          Đầu tháng 9-2011, Giáo Sư Thomas Patterson, Đại học Harvard và nhà báo lề phải Nguyễn Anh Tuấn, Tuần Việt Nam, đồng sáng lập “Open Minds Network Foundation”. Chương trình này được cả hai giới thiệu trên Tuần Việt Nam, trong đó nói là “mở ra cơ hội hợp tác trao đổi giáo dục, văn hóa và khoa học . .  để từ cựu thù trở thành bạn hữu”. “Open Minds Network Foundation” sẽ đóng vai trò trò gì cho Hanoi trong việc mở một môn học “trung với đảng” vào lúc Cộng Đảng đang suy sụp uy tín ?

         Bắc Kinh và Hanoi có dư thừa phương tiện để thực hiện ý định của họ. Điều duy nhất họ thiếu lẽ phải, sự thật và ngay thẳng.

          Chuyện ký giả Ngô đình Vận viết công khai về 5 tội Đức Khổng ngay sau khi các thông tin về ý định của nhà cầm quyền Bắc Kinh được tung ra hẳn cũng có một ý nghĩa nào đó (?). Công việc này của một người không có chút phương tiện gì trong tay, ngoài chuyện nói sự thật có văn tự chúng minh.

          Mấy câu thơ của Hoàng Cầm được chép lại ở đâu bài, có ý nghĩa gì trong trường hợp này ?

          Nếu cứ mặc một người lên tiếng thì quý vị thức giả và các bạn trẻ trong cộng đồng sẽ nghĩ gì về dự án dùng học thuyết của Khổng Tử như bình phong để thiết lập môn học “trung với đảng” Hanoi sẽ có thể áp dụng ?

Nguyễn Xuân Bá

January 13.2012

Tuesday, January 10, 2012

Lạm Bàn Về Đức Khổng Tử - Lê Thị Hồng



LẠM BÀN VỀ KHỔNG TỬ

Lê Thị Hồng

          Khi đọc ý kiến của bà Tạ thị Lương post trên trang Lạch Xuân Hương về vấn đề vừa nói. Tôi cũng là một góa phụ, nên cảm thông với tâm trạng “bối rối” của bà.

          Bà Lương bối rối là phải, vì bà lẫn lộn hai nền văn hóa khác nhau. Chắc chắn bà sinh trưởng ở Việt Nam mình. Có lẽ khi đi định cư, theo văn tự bà ghi là tỵ nạn Cộng Sản. Hẳn khi đó bà đã ở độ tuổi xồn xồn, nay thì đã luống tuổi. (?) Tôi cũng xuýt soát tầm tuổi bà. Vào tuổi của tôi và bà lúc rời Việt Nam thì bắt buộc phải hội nhập văn minh xứ người. Nào là đi học tiếng Mỹ như ngôn ngữ thứ hai, học lái xe, học vào công dân Mỹ. Tôi có bà bạn cũng tầm tuổi chúng mình, lâu ngày không găp mặt. Khi chúng tôi găp nhau, bạn tôi khoe um trời.
- Chị biết không, mình sang đây mà có được hai tấm bằng là yên trí, ấm thân rồi.
          Tôi chưng hửng, chưa hiểu gì, thì bạn tôi ôn tồn tự tin, giải thich
- Thì bằng lái xe, bằng công dân Mỹ đó.
          Lúc đó tôi mới kịp để ý đến người bạn lâu ngày chưa gặp. Nhìn kỹ thấy hơi khác, bà bạn ghé vào tai nói nhỏ :
    - Em mới “làm đồng”. Chị nhìn thấy lạ nhân hơi khó phải hông ?
    Tôi lại ngạc nhiên đến thừ người, thì lại được giải thích :
    - Em mới bơm vòng số một, “gò” lại vòng số ba một chút cho bắt mắt.

          Bà biết đấy, thời mình còn ở Việt Nam học chữ Thánh Hiền cứ rang rang làng xóm, làm gì có chuyện phụ nữ chúng ta cần hai mảnh bằng hay là chuyện “làm đồng” như bạn tôi vừa nói ?

          Thời gian lặng lẽ trôi. Cuộc sống lúc thăng, khi trầm, lớp tuổi tôi và bà cũng như phần đông bạn bè cùng trang lứa chúng ta cảm thấy những gì Đức Thánh Khổng dậy khi xưa “tam tòng, tứ đức” ít còn áp dụng được trong thời kỳ kinh tế khó khăn nơi xứ lạ, quê người.

          Tôi đoán chừng bà cũng có những lạc lõng trong những lời răn dậy của Đức Khổng Tử như tôi.

          Bà viết ký giả Ngô đinh Vân đã “lớn mật” bới ra tới 5 điều sai sót của Thánh Khổng. Tôi nghĩ bà có phần hơi “ngả nghiêng” thật rồi. Đức Khổng sống vào thời Xuân Thu. Còn có những tư tưởng trước đó, dường như Tây Chu thì phải ?, cũng đã có những truyền tụng mà nho học tôn thành điều răn sống của nhân gian. Nếu tìm rõ ngọn nguồn sự việc chắc sáng rõ hơn nhiều. Nay sách báo còn lại chẵng là bao, chị em mình thách cái nhà ông Vận dám tìm tòi viết ra đầy đủ hơn, lúc đó mình chờ thêm các bậc cao minh, giỏi giang hơn lên tiếng, mình đưa ra lập trường của phụ nữ cũng không muộn.

          Chị em mình cứ chờ thêm. Trong cộng đồng mình có nhiều bậc tri thức, tôn kính hiểu đạo Thánh Hiền, nếu họ không lên tiếng thì mình biết rõ hai điều, một là họ nhìn nhận những gì ông Vận nói là đúng, mặt khác là chẳng ai biết gì khác ngoài những lời truyền miệng về Đức Khổng Tử.

          Về chuyện bà lo âu người Tầu đang áp đặt nhà cầm quyền Việt Nam cùng đưa lại tư tưởng của Đức Khổng Tử về “trung quân” được giải thích như trung với đảng, để cả hai mong kéo dài chế độ toàn trị tại hai nước, chúng ta sẽ có dịp bàn thêm sau. Lần này, xin mời bà hay vị nữ lưu nào khác vào cuộc trước. Chị em khác sẽ theo hầu.

          Chuyện văn hóa là chuyện cả đời người. Chúng ta cùng nhau giải quyết từ tốn thôi.

Lê thị Hồng
January 09, 2012

Bối Rối Vụ Khổng Tử - Tạ Thị Lương



BỐI RỐI VỤ KHỔNG TỬ

Tạ thị Lương

          Đọc bài của ký giả Ngô đình Vận viết trên trang Lạch Xuân Hương về “Tội Khổng Tử”, bản thân tôi là phụ nữ góa bụa cảm thấy “xiêu hồn lạc phách”, vì sợ tiêm nhiễm các ý của cái ông Ngô đình Vận nào đó, tôi chưa gặp mặt bao giờ. Nhưng xét cho cùng, càng đọc thì càng cảm thấy có cái gì hơi “confusing”.

          Cái nhà Ông Vận hài ra tới 5 tội của Đức Khổng Tử Thánh Hiền : bất nhân, bất nghĩa, thất lễ, thất trí và bất tín. Nếu đọc trọn bài của cái ông Vận, rồi so với những gì tồn đọng nơi con người tuổi xế chiều của tôi, thì đúng là chúng làm cho tôi “bối rối” khôn xiết kể !

          Phụ nữ ở lớp tuổi tôi ít nhiều gì cũng tiêm nhiễm chút tư tưởng của Đức Khổng Tử. Thí dụ như “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Khi tôi lớn dần lên, thấy cuộc sống đổi thay theo dòng đời. Tôi cảm thấy những gì ăn sâu vào đầu óc tôi từ xưa không mấy thích hợp cho cuộc sống hôm nay. Khi lấy chồng, tôi hết lòng chiều chồng, nhưng tôi bị chồng đối xử bất công, chồng tôi chơi bời thê thiếp. Lúc đó tôi kêu ca thì lại bị nói là, “trai năm thê, bảy thiếp, gái chính chuyên có một chồng”.  Khi tôi trở thành góa bụa, muốn theo con hay nghe theo ý kiến của con thôi cũng không được. Vì chúng có đời sống tất bật riêng của chúng. Từ xa thỉnh thoảng gọi thăm là vui. Hỏi han chuyện của mình chúng không dám góp ý.

          Tôi chắc chắn rằng, Việt Nam ta chịu ảnh hưởng rất lớn và rất nhiều đời nơi văn hóa và học thuyết của Đức Khổng Tử. Tôi cũng được nghe có những điều răn dậy của Đức Khổng Tử có vẻ trọng Nam kinh Nữ ra mặt : “nhất Nam viết hữu, thập Nữ viết vô” (một con trai kể như có, mười con gái kể như không.) Tôi phận đàn bà thiển nghĩ, chính vì quan niệm này mà nước Tầu, nơi Đức Khổng Tử truyền học thuyết của Ngài đã tạo ra và lan sang cả nước ta cảnh hàng trăm triệu phụ Nữ bị coi khinh. Và ngày nay nước Tầu lâm nạn trai thừa gái thiếu. Đây cũng chính là căn nguyên đưa đến nền văn hóa sự chết của nước Tầu. Bao đời trọng Nam kinh Nữ, nước Tầu đã hạ sát biết bao nhiêu hài nhi, khi bà Mẹ mang thai con gái.

          Nghe tin tức và theo dõi chút đinh thời sự, tôi cũng lơ mơ là thời Mao trạch Đông, có đề ra cách mạng văn hóa bên Tầu. Nhà nước cộng sản Tầu đã hoàn toàn cấm các sách báo loan truyền tư tưởng Khổng Mạnh, chỉ còn tôn thờ chủ nghĩa Mac, Mao thôi. Nhưng nay Tầu lâm nguy vì cuộc sống lừa đảo của đảng cầm quyền, đưa nước Tầu suy đồi và dân chúng nổi lên chống đối mọi nơi. Đám cầm quyền phương Bắc lại muốn đưa học thuyết Đức Khổng Tử trở lại trong đời sống tinh thần dân chúng để duy trì quyền lực lâu hơn. Như tư tưởng “trung với vua”của Đức Khổng Tử (?), được diễn ra là trung với đảng.

          Tôi cũng nghe là cái nhà ông Tập cận Bình nào đó, từ bên Tầu mới sang nước ta, muốn nước ta cũng học tập, áp dụng các điều như bên Tầu để cả hai cùng có nhà nước mạnh. Chớ có nghe bọn Tầu phù. Bà con còn nhớ cụ Hồ tuân lệnh Tầu trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đât không ? Hàng trăm ngàn người Việt hiền lương vô tội bị Tầu Cộng dùng tay cụ Hồ đầy đọa, chết thảm thương.

          Nước ta tôn kính hai vị Nữ Lưu Anh Hùng là hai Bà Trưng đã cứu Dân Tộc Việt từ tay Tầu độ hộ. Còn nước Tầu theo văn hóa trọng Nam khinh Nữ của Đức Khổng (?) bóp chết hàng triệu thai nhi nữ giới.

          Tôi rất nghi ngờ, bối rối, không lẽ Đức Khổng Tử được bên Tầu tôn sùng như thánh nhân, mà trong văn bản dậy dỗ nhân gian của Ngài lại có tới 5 điều phạm đến đạo làm người, như cái nhà ông Vận “lớn mật” viết ra ? Không lẽ hàng ngàn năm nay thiên hạ đều biết mà làm ngơ?

          Rất mong quý vị cao minh lên tiếng hướng dẫn.

          Quý vị đã đăng bài của ký giả Ngô đình Vận ở những đâu thì cũng phải đưa ý kiến của tôi lên các nơi đó cho công bằng.

Tạ thị Lương,
Góa phụ tỵ nạn cộng sản
January 04, 2012

Monday, January 2, 2012

Tạp Luận 1: Tội Của Khổng Tử - Ngô Đình Vận

Tạp Luận 1

T Ộ I  C Ủ A  K H Ổ N G  T Ử  

     Ngô Đình Vận   

Đêm “giao thừa” Tết Mỹ là ngày 31 tháng 12 năm 2011, miền Nam California trời lành lạnh, sương mù lan tỏa làm mờ hẳn mảnh trăng khuyết treo lơ lửng trên đỉnh cội thông già.

Một năm nữa sắp qua đi, bao nhiêu năm đã trôi qua mà riêng cái niềm xao xuyến, bồi hồi vẫn ngóc đầu nhỏm dậy trong tâm tình của một người xa xứ.

Chờ đợi, chẳng có điều gì để làm, để lấp đầy cái khoảng trống cay nghiệt nên đành phải mở cuốn Chu Dịch của tác giả Sào Nam Phan Bội Châu coi lại.

Lật đại ra, ai dè trúng ngay quẻ Trạch Sơn Hàm. Ngó vào trang Lẻ 583 (Chu Dịch Hạ Kinh), đụng nhằm một câu in đậm: “Nhu Thượng nhi cương hạ, nhị khí cảm ứng dị tương dự, chi nhi duyệt nam hạ nữ…”.

Trời đất cái gì Nam hạ Nữ” , thốt nhiên giựt mình tới thót người. Thế này thì Soán Truyện của Vạn Thế Sư Biểu Khổng Khâu “có vấn đề rồi”; câu in đậm được tác giả Phan Bội Châu giải là “… Theo về tượng quẻ thời Cấn tượng là thiếu Nam, Đoài tượng là thiếu Nữ, Nam trước cầu Nữ mà chịu ti hạ với Nữ… góp mấy câu trên ấy, rặt hợp với đạo tương cảm…”.

“Nói trộm vía Đức Thánh Khổng” thì Vạn Thế Sư Biểu đã đắc tội với con người quá lắm. “Cái khuôn vàng thước ngọc” của “Sư Biểu” với Tam Cương, Ngũ Thường đã giáng họa cho “ngàn đời sau biết nhường nào”.

Ở đây chúng tôi xét theo Văn Bản chứ không hề đả động tới cái quan niệm sống của Thời Xuân Thu.

Cái phần Ngũ Thường là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín của Đức Thánh Khổng đều có nhiều rối rắm đến độ mâu thuẫn.

Thứ nhất là Bất Nhân

Vì người có lòng Nhân thì phải cư xử công bằng với mọi con người, thế mà Khổng Tử lập ngôn trên Văn Bản, định ra chuyện “kỳ thị giới tính”, trọng Nam khinh Nữ. Đức Thánh Khổng coi một nửa thế giới là phe Nữ được ví như tiểu nhân, còn phe Nam giới được ví như quân tử.

Cho dù đi vào chi tiết về việc lý giải còn tùy thuộc vào vị trí của các hào từ. Dương phải ở vị trí Lẻ, Âm phải ở thế Chẵn. Nam hạ nữ, thị di hanh lợi trinh”, “Trai phải cúi xuống cầu gái…”. Xét về ngôn từ rõ ràng đặt Nam trên Nữ, tước đoạt nhân phẩm của nữ giới, coi nữ giới như rơm rác, tiểu nhân khiến cho hơn nửa thế giới mang họa.

Có thể Học thuật của Đức Thánh Khổng uyên thâm còn lý giải vô lượng, cũng có thể 72 đệ tử đều là Nam giới đã diễn nghĩa sai đi, rồi sau đó đến đời Hán Vũ Đế (156 - 87 trước Công nguyên) nghe theo ý kiến của Đổng Trọng Thư là dẹp các học thuyết khác (Bách gia chư tử) để đưa Nho học lên ngôi vị độc tôn nhằm bảo vệ vương triều Quân Chủ Phong Kiến đời nhà Hán.

Sau đó, tới thời nhà Tống, lại có Chu Hi, Trình Hạo nâng học thuật Khổng Nho lên hàng Đạo Giáo. Chu Hi (năm 1130 Tây lịch) với Lý, Khí học và Biến, Hóa được đời sau gọi là Tống Nho.

Đạo Nho từ đời Tống về sau này truyền qua các triều đại Minh, Thanh như một chỗ tựa lưng của các chế độ Quân Chủ Phong Kiến. Đạo Nho ấy đã ảnh hưởng rất mạnh tới các triều đại Hậu Lê tới nhà Nguyễn (Gia Long); do đó người ta không lấy gì làm lạ khi thấy Kinh Dịch Trọn Bộ được Ngô Tất Tố dịch và chú giải (xuất bản năm 1953) có cả phần tựa của Trình Di.

Ngoài ra, sách Luận Ngữ lừng danh với câu “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Đức Thánh Khổng cổ xúy đạo Nhân mà chỉ cho Nam giới được làm người (quân tử) thì thật là ác nghiệp.

Thứ Hai là Bất Nghĩa

Mẹ đẻ ra, cho con bú mớm, Cô, Dì… nhiều phụ nữ khác bồng bế, nấu ăn, dệt vải… giúp đứa bé lớn lên thành người lấy vợ, có con mà lại thẳng thừng xếp nữ giới tỷ như Tiểu Nhân thì quá tệ. Hơn thế nữa lịch sử Bắc Phưong (Trung Quốc) thời cổ cũng là (chế độ) Mẫu hệ.

Thứ Ba là Thất Lễ

Đối với Mẹ mà coi thường Mẹ là Bất Hiếu, đối với phụ nữ lớn tuổi hơn mà coi họ tỷ như Tiểu Nhân là vô phép, bất kính “đáng trách thay!”.

Thứ Tư là Thất Trí

Người chủ trương phải tu thân thành kẻ biết suy nghĩ, sáng suốt để phân định điều hay, điều dở, lẽ phải, lẽ trái nhưng tu mãi hóa ra bị “tẩu hỏa nhập ma” thành ra cuồng vì kiêu hoặc là “Đức Thánh” tu thân hóa thánh nên Thánh Trí khác với Phàm Trí.

Thứ Năm là Bất Tín

“Đức Thánh” tự tin về nguyên tắc là quy luật của mình để dạy hầu hết Nam đệ tử nhằm cứu đời giữa thời tao loạn Xuân Thu. Xiển dương Nhân, nghĩa, Lễ, Trí, Tín để “Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ” mà tự căn bản đã vấp phạm tất cả các lỗi lầm như thế tức là thiếu lòng thành “chẳng là đáng trách lắm ru”.

Đêm cuối năm Tết Mỹ ngồi chờ thời gian qua đi của đêm giao thừa lại đụng vào một nỗi thắc mắc lớn mà cái sở học thì nông cạn nhưng cũng đành phải “tạp luận” để trút bớt nỗi niềm.

Về mặt tiểu sử, Khổng Khâu sinh ra ở Khúc Phụ nước Lỗ năm 445 trước Công Nguyên, tính tới nay gần 2457 năm. Chu Dịch được coi là trải qua 4 vị Đại Thánh làm ra gồm Phục Hy, Văn Vương, Chu Công, Khổng Tử.

Người san định Dịch học rồi viết thêm Thập Dực khiến cho Dịch học mọc cánh bay lên chính là Khổng Tử. Học thuật của Đức Thánh Khổng uyên bác như thế nào thì đã biết bao nhiêu người được gọi là trí giả qua bao nhiêu thời đại từ trên 2400 năm qua học hỏi và quảng bá. Sách vở nghiên cứu, bàn luận, loan truyền bao trùm Châu Á, sau này còn lan rộng khắp thế giới nữa.

Tuy nhiên cái Nhân của Khổng Nho gây ra đã di hại tới các đời sau mà cái quả là thảm họa cho nhiều xã hội Đông Phương đó là việc khinh thường Nữ giới; điều này gây ra tội ác bạo hành đối với Phụ nữ ở nhiều nước Á Châu. Coi rẻ Phụ nữ trở thành tập quán của nhiều xã hội chịu ảnh hưởng bởi Khổng Nho.

Thảm họa tàn sát Nữ giới từ trứng nước mà cho tới bây giờ đêm 31 tháng 12 năm 2011 còn nghe được là hàng triệu bé gái đã bị giết từ khi lọt lòng mẹ ở khắp Trung Quốc. Xã hội Trung Quốc ngày nay lâm vào thảm kịch trai thừa gái thiếu tới mức vô phương cứu chữa.

Đối với đám dân tỵ nạn gốc Việt thuộc thế hệ thứ nhất đã định cư ở Mỹ cũng lãnh lấy chuyện “quả báo nhãn tiền”. Ở xã hội Mỹ theo trật tự thì được tính bằng đẳng cấp được ưu đãi gồm: thứ nhất là trẻ em, thứ hai là Nữ giới, thứ ba là chó, mèo… thấp nhất là Nam giới, liệu đàn ông có nên vùng dậy để đòi quyền bình đẳng với Nữ giới hay không?

Đêm cuối năm đón “giao thừa” Tết Mỹ mà viết tạp luận xét tội Khổng Tử cũng là cách giải tỏa nỗi niềm u uẩn. Học thuyết Khổng Nho còn nhiều lỗi lầm “ra Giêng ngày rộng tháng dài” chúng tôi sẽ bàn kỹ lưỡng. Dường như trước đây Lão Tử đã chê Khổng Tử bày ra Lễ, Nhạc chỉ thêm nhiễu sự… có phái trong Bách Gia Chư Tử còn chỉ trích Khổng Tử thiếu Tri Hành Hợp Nhất đại ý rằng “Nho gia chỉ lắm miệng dạy đời, chỉ biết ăn bám mà không hề biết trồng nổi một cây lúa…”.

Tóm lại, Khổng học ở thời đại tiến bộ, tự do, dân chủ, nhân quyền thì quá hủ lậu không thể nào ứng dụng được nữa.

Ngô Đình Vận
Nam California
23 giờ 15. Giao thừa 31 tháng 12 năm 2011.