Friday, August 10, 2012

Trần Nguyên Thao - Cộng Đảng Tung “Hỏa Mù” Để Dễ Vơ Vét Thêm



CỘNG ĐẢNG TUNG “HỎA MÙ”
ĐỂ DỄ VƠ VÉT THÊM

Trần Nguyên Thao



Ngoài việc thanh toán nội bộ để tranh ăn, Cộng đảng còn cố tình đưa ra hàng loạt biện pháp đưa đến tình trạng “hỏa mù” trong nền kinh tế. Kế hoạch nhiễu thông tin này tạo nên trạng thái “bất ổn” khiến nền kinh tế “bất động” đưa lại cơ hội rất lớn cho “nhóm sân sau” của các tay chóp bu Cộng đảng thi nhau lợi dụng tình thế để thâu tóm, hay đầu cơ trong ngành ngân hàng và kim hoàn. Khi hỏa mù kinh tế được tung ra, Hanoi biết rõ những khốn đốn của tầng lớp dân chúng hiền lương ngoài cuộc phải chịu đựng. Nhưng Cộng đảng đang áp dụng sách “ mackeno” (*) tảng lờ, làm ngơ trước thống khổ của Dân Tộc VN.

Tin đồn khắp nơi

Sau khi hai cô gái Tô linh Hương và Nguyễn thanh Phượng thuộc hai phe rời tượng trưng khỏi chức vụ, tin đồn lại có cớ lan tràn khắp thủ đô Hanoi và những thành phố lớn về khả năng sẽ xẩy ra thay đổi khá bất ngờ nhân sự chủ chốt trong đảng, khiến cho con tàu chính quyền chao đảo. Đó đây đang diễn ra một cuộc “chạy loạn” rất “khẩn cấp”. Thuộc hạ thân cận thường xuyên phục vụ cho quyền lợi nhóm của gia đình Nguyễn Tấn Dũng đang phải tìm đường thoát thân. Nhiều trong số những người này đang ngắm nghía “bến đỗ” mới trước khi mọi chuyện trở nên tồi tệ không lường được.

Thế lực đáng kể đến từ phía đảng, gồm Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang kình chống dữ dội phe nội các của Dũng vẫn đang diễn ra khốc liệt. Nếu cuộc bỏ phiếu trong Bộ Chính trị Cộng đảng diễn ra lúc này, thì người đứng đầu nội các chỉ nhận được 4/13 phiếu ủng hộ tiếp tục chấp nhiệm.

Lần trước, sau khi mục này vừa trình làng, những thông tin nội bộ Cộng đảng cho biết: nhóm lợi ích ngân hàng đã phải tạm ngừng việc xây dựng và triển khai đề án huy động vàng đầy tham vọng của mình, để dành thời gian đối phó với những thách thức mới. Nhưng vào lúc đó, dư luận vẫn chưa nhận ra nguồn gốc của đầu cơ vàng không chỉ từ các nhóm đầu cơ nhỏ, mà luôn được tổ chức và kích động bởi những con cá mập lớn hơn nhiều. Saigon Jewelry Company (SJC) và một số ngân hàng có quota nhập khẩu vàng như ACB, Eximbank, Vietcombank…, đều là những địa chỉ mà nhóm đại gia ngân hàng nắm quyền chi phối và dễ dàng thao túng. Chỉ một số ít công ty và ngân hàng chủ chốt có đặc quyền kinh doanh vàng đã nắm đến khoảng 85% thị phần vàng. 15% phần còn lại được chia cho 12 ngàn cơ sở kinh doanh vàng tư nhân trên toàn quốc.

Tình thế này có thể phải hy sinh một vài đàn em thân tín để phe Dũng củng cố “nội lực”. Hiện dư luận đang để ý nhiều đến Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, người từng được trang tin VnExpress vinh danh “Nhân vật của năm 2011”. Bình, với thành tích rõ rệt, chưa đầy nửa năm đã đưa ra hàng loạt các biện pháp tài chánh phục vụ đắc lực cho “nhóm lợi ích ngân hàng” được đặc quyền nắm gần trọn nguồn vàng và tiền trong nước. Dũng cùng con gái “ném đá dấu tay”, bằng cách kết hợp Bình với nhóm người nhiều mưu chước. Nổi bật trong số đó là ông Nguyên đức Kiên được giới kinh tế, tài chánh và báo chí đặt cho cái tên “bố già”. (**)

Bốn năm trước, nhóm giáo sư đai học Harvard đã trao tận tay Thủ Tướng VC Nguyễn Tấn Dũng cuốn “cẩm nang” cho chiến lược phát triển Việt Nam kèm theo cảnh báo nói trước hậu quả từ sự trục lợi của các nhóm đặc quyền có ảnh hưởng chính trị lớn đang biến của công thành của riêng khiến chất lượng đầu tư công vào các doanh nghiệp quốc doanh tạo suy sụp trong kinh tế. Cho đến nay Hanoi vẫn giấu kín như chưa bao giờ có cuốn cẩm nang như vậy, đồng thời hoàn toàn bỏ ngoài tai những khuyến cáo đi kèm.

Hỏa mù thông tin

Bên cạnh tình hình kinh tế suy sụp, Hanoi tung ra nhiều luồng thông tin trái chiều, khiến dân và thậm chí cả giới phân tích rất khó để có thể thực sự định hình được những gì đang diễn ra trong nền kinh tế.

Một mặt là những con số rất lạc quan từ chính phủ, nào là kinh tế tăng trưởng sẽ đạt mức trên 5-6% cho cả năm 2012, lạm phát đi xuống một cách đáng kể từ 18% xuống còn 7% kèm theo việc mở rộng những chính sách tiền tệ khiến cho lãi suất ngân hàng hiện giờ giảm chỉ ở mức trên dưới 15%/năm, nhưng chỉ cho các doanh nghiệp chọn lọc. Dầu vậy, chuyên gia kinh tế Bùi kiến Thành nói là, lãi xuất này vẫn cao, doanh nghiệp không thể cạnh tranh với hàng hóa của các nước lân bang, vì lãi xuất các nước trong vùng chỉ từ 4-6% thôi.

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, khi thị trường chứng khoán – thước đo sức khoẻ của nền kinh tế - mất 30-40% giá trị. Với lượng của cải vật chất làm ra trong xã hội mất đi quá 50%; hàng làm ra bán không được, đang tồn kho trên 25%, sức mua trong dân chúng tiếp tục là mối lo ngại, đang ở số “âm gần -3%” cùng với thâm hụt trong cán cân thương mại thì con số tăng trưởng 4.38% trong 6 tháng vừa qua, hay thậm chí là một mức tăng trưởng dương dường như là rất phi lý. Bằng vào ngần ấy các số liệu của chính Hanoi công bố, người ta tự hỏi tỷ lệ về tăng trưởng ở mức trên dưới 6% cho toàn năm 2012 Hanoi tính toán ra từ đâu? Đến đây thì ai cũng biết là cách nói “lấy được” cho qua chuyện dường như là văn hóa duy nhất Hanoi có được từ ngày khai sinh Cộng đảng cho đến bây giờ!

Tổng cục thống kê công bố tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam chỉ ở mức 2.29%, con số này là quá thấp so với số lượng trên 100 ngàn doanh nghiệp đã giải thể hàng loạt trong khoảng hơn 16 tháng qua. Hẳn là Hanoi đã tính 80% nông dân (tự cung, tự cấp) nên mới có tỷ lệ trên 97% người đang làm việc. Con số này nghe hơi quen, cũng suýt soát như tỷ lệ học sinh thi đậu tốt nghiệp trung học phổ thông nhiều tai tiếng năm nay!

Một số chuyên gia như ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính và tiền tệ quốc gia, đã đề cập đến số tiền rất lớn có thể lên đến 200.000 tỷ đồng, sẽ được bơm vào nền kinh tế trong nửa cuối năm 2012. Sau đó, thông tin này được chính thức hóa phần nào từ thuyết minh của Phó Thủ tướng VC Nguyễn Xuân Phúc trước Quốc hội.

Nợ Xấu, các con số kỳ lạ

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn văn Bình báo cáo trước Quốc hội về nợ xấu là 10% (tương đương 117 ngàn tỷ đồng, tính đến đầu tháng 6), sau đó lại được chính thức công bố cũng bởi NHNN là 4,47% và gần đây nhất lại là 8,6%!

Quyền Chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Hữu Nghĩa nói tại cuộc họp báo rằng “Tính đến 31/3/2012, nợ xấu là hơn 202.000 tỷ đồng" (khoảng 9,69 tỷ đôla, gần gấp đôi con số của ông Bình). Các số liệu Hanoi đưa ra sai lệch nhau đến chóng mặt, khiến người vẽ biểu đồ chuyên nghiệp cũng không theo kịp!

Trong khi đó, Fitch Rating đưa ra con số 13% chưa tính nợ xấu từ các doanh nghiệp nhà nước (chỉ Vinashin và Vinalines đã tổng cộng đến 6 tỷ USD). Tư liệu của một ngân hàng tư nhân ước tính nợ xấu không kiểm chứng được là 27%. Có thể ngay cả NHNN cũng chưa biết rõ nợ xấu tại VN là bao nhiêu (?)

Đầu tháng 6, Thống Đốc NHNN Nguyễn văn Bình báo trước rằng, thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với các bộ ngành để thành lập công ty mua bán nợ xấu. Ngay sau đó, Các chuyên gia công khai đặt vấn đề, NHNN không thể dùng tiền thuế của dân để chỉ cứu các nhóm “có quan hệ tốt hay thân quen”. Thực tế cho thấy, đa số các ngân hàng đều đầy rẫy các tay có thế lực trong nhóm làm ăn nhiều mánh khóe, họ đã “đầu cơ” rất nhiều nơi bất động sản và chứng khoán, vì vậy việc giải cứu nợ xấu có ý nghĩa rất lớn đối với những thành phần này. Tiến sĩ Lê đăng Doanh cho rằng, “nếu 100 ngàn tỷ đó được bơm vào các doanh nghiệp có hiệu quả thì nền kinh tế có thể có chuyển biến. Tuy nhiên nếu mua nơi nợ xấu thì nền kinh tế sẽ không hồi phục được bằng phương thuốc mua nợ.”

Lập một công ty mua bán nợ xấu mà chưa biết chắc số nợ là bao nhiêu; rồi chưa chắc là bán cho ai với giá như thế nào, thì chỉ có các đầu óc siêu việt mới dám nghĩ đến cứu nguy kiểu này.

Về lượng tiền 300 ngàn tỷ NHNN vừa bơm ra thị trường, tính đến cuối tháng 6, đã chạy về đâu? Nếu dùng để mua nợ xấu thì lập thêm một công ty mua bán nợ xấu phải chăng là để hợp thức hóa số tiền đã sử dụng hay là một thủ thuật khác cho dòng tiền chạy quanh và biến mất ?

Giữa tháng 7, NHNN giải thích là, các ngân hàng thương mại không đồng nhất về kỹ thuật xếp loại trên 1 triệu con nợ xấu, nên đưa đến sự sai lệch về số liệu đã công bố. Và rằng, nợ xấu không mất hẳn vốn, vì các món nợ đều có thế chấp bằng bất động sản (BĐS). Giải thích này cũng “làm cho có” bởi vì mẫu báo cáo nợ xuất đều do NHNN cung cấp cho NHTM. Và chính BĐS bây giờ cũng nằm chết, nhiều khu nhà xây xong bỏ hoang không bán được. Nếu tình trạng này kéo dài, thì ngân hàng làm sao thu vốn về.

Thị trường Vàng, lại sôi sục

Thượng tuần tháng 7, thị trường vàng lại sôi sục, gây nhiều tranh cãi. Có báo loan tin là sẽ đổi vàng giống như đổi tiền. Vấn đề lại trở nên nóng hơn khi chiều ngày 4-7, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Lê Minh Hưng cho biết, vàng miếng hiệu Saigon Jewelry Company (SJC) sẽ trở thành thương hiệu vàng quốc gia. Điều này đồng nghĩa với việc các thương hiệu vàng miếng của nhiều công ty lớn như vàng Rồng Thăng long của Bảo Tín Minh Châu, Vàng Phượng hoàng PNJ-DAB của Công ty Cổ phần vàng bạc đá quí Phú Nhuận (PNJ) và Ngân hàng Đông Á (DAB), Vàng ACB của Ngân hàng Á Châu, Vàng Thần tài Sacombank-SBJ của Công ty vàng bạc đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín-SBJ sẽ không còn tồn tại. Có báo còn loan tin các loại vàng bị vênh, méo, cong hay mang các nhãn hiệu khác, không bán được giá cao. Điều này gây lo lắng, hoang mang cho 12 ngàn cửa hàng vàng và dân chúng đang giữ vàng.

Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam cho biết , trước đây, NHNN đã cấm kinh doanh ngoại tệ nhưng trên thực tế, việc giao dịch ngoại tệ trên thị trường tự do vẫn diễn ra sôi động và khá công khai. Hiện tượng doanh nghiệp mua bán vàng miếng chui rồi cũng sẽ nở rộ. Và hiện tượng này thậm chí còn sôi động hơn cả kinh doanh ngoại tệ ở "chợ đen" vì số lượng người nắm giữ vàng lớn hơn rất nhiều so với lượng người nắm giữ ngoại tệ.

Trần Nguyên Thao
July 20, 2012
________________________________________________
(*) Mackeno, tiếng từ trong nước, có nghĩa là Mặc kệ nó
(**) Biệt danh những nhân vật từng gây khiếp đảm trong xã hộ đen, được dàn dựng thành phim Godfather mô tả hoạt động của tổ chức Mafia chuyên dùng tiền, cây súng và xảo trá làm ăn nơi “bóng tối”.