Monday, June 18, 2012

Trần Nguyên Thao - Tranh ăn, Hà Nội Ngụp Lặn Trong Thanh Toán Nội Bộ



TRANH ĂN, HÀ NỘI NGỤP LẶN TRONG THANH TOÁN NỘI BỘ

Trần Nguyên Thao





Doanh Nghiệp Nhà Nước, Ngân Hàng, Chứng Khoán, Bất Động Sản và Xí Nghiệp Tư là năm nhóm đang giẫy chết trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, làm tiêu dần ngôi sao 5 cánh trên nền cờ đỏ của Cộng đảng VN. Nếu trước kia, nền cờ này là nguyên nhân gây ra các cuộc tàn sát đẫm máu; thì nay, cùng nền cờ đó, những tay đầu sỏ lại đang quần thảo nhau, ngụp lặn trong cùng một vũng máu bầm tăm tối. Dũng và Sang kình nhau dữ dội trong vụ Dương Chí Dũng (Vinalines) và Đặng Thị Hoàng Yến (Quốc Hội), đưa cơ may cho Nguyễn phú Trọng rung đùi vồ lại từ tay Dũng chiếc ghế “chống tham nhũng” để ôm trọn gói tiền khá lớn từ đàn anh Tầu Cộng dúi cho, làm phương tiện tạo thêm vây cánh trong đảng. Đó là đề tài của tầng lớp trí thức, cũng như dân lao động bàn tán thường ngày trong các cuộc gặp gỡ rỉ tai, chia sẻ trên vỉa hè, quán cóc, được thuật lại trên các cơ quan truyền thông. Đây cũng chính là đầu dây mối nhợ dẫn đến cuộc chạy đua tranh ăn, làm cho nền kinh tế ngày càng lún sâu vào phá sản.

Đồng tiền hai mặt

Phía Dũng những bê bối Vinashin, Vinalines làm thất thoát hàng chục ngàn tỷ đổng vào túi tham nhũng... đang mất thế, phải “quà cáp” phe Trọng bằng việc bổ nhiệm con gái Tô Huy Rứa, Tô Linh Hương 24 tuổi, học báo chí - tuyên truyền, làm chủ tịch hội đồng quản trị của công ty cổ phần đầu tư xây dựng lớn Vinaconex.

Nguyễn Phú Trọng có chỗ dựa từ Tầu cộng, lại được Bắc Kinh dúi cho 300 triệu Đôla, đang ở thế thượng phong. Bước đầu, dưới chiêu chống tham nhũng, Trọng đã nhảy vào vị trí trưởng ban chống tham nhũng trung ương Cộng đảng, thay Nguyễn Tấn Dũng, và đang ve vãn Tổng Cục 2, các tướng lãnh quân đội,... để chiếm toàn quyền trong chỉnh đảng lần này.

Tiếng nói tiêu biểu cho giới khoa bảng nhân định về việc này, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về VN, được BBC thuật lại ngày 23/5/2012: "Nếu vụ Đặng Thị Hoàng Yến và Dương Chí Dũng báo trước một sự chia rẽ nội bộ trong Đảng vì các chính sách và các cá nhân, thì Việt Nam dường như sẽ bước vào một giai đoạn bất an về chính trị. Tình hình này sẽ lại càng trầm trọng thêm vì nền kinh tế yếu kém."

Vụ Vinalines đổ bể, ông Dương chí Dũng, người cầm đầu Vinalines được chế độ Hanoi cho trốn thoát rất ly kỳ. Giữa năm 2010, vụ Vinashin sập tiệm cũng vậy, Tổng Giám Đốc Tài Chánh, Hồ ngọc Tùng và Giang Kim Đạt, trưởng phòng kinh doanh tập đoàn Vinashin được cho đi ngoại quốc chữa bệnh ngay khi cơ quan an ninh điều tra nội vụ, cho đến nay vẫn chưa về ! Ba nhân vật giữ nhiều đầu dây mối nhợ “hai quả đấm thép” Vinashin và Vinalines làm tiêu tan chiến lược kinh tế của Cộng đảng, được ưu đãi ra đi trong bí mật; nhằm bịt hết mọi manh mối sự việc.

Nhìn vào thực trạng kinh tế và an ninh VN, Hanoi coi người Tàu như “công dân danh dự”, họ mặc sức tung hoành trên khắp lãnh thổ, từ lập cư thành khu vực lớn, quạng mỏ, đấu thầu, điện lực... đến những con buôn chuyên lừa đảo, làm suy yếu nền công nghệ và nông, lâm, ngư nghiệp VN. Thảm họa này minh chứng rằng, dù “phe Trọng hay Dũng” cũng chỉ là “hai mặt của một đồng tiền” luân phiên được Bắc Kinh dấm dúi ơn mưa móc qua trung gian một vài “con thoi” cao cấp trong nội bộ Cộng đảng, để rồi dù cho phe nào thắng thế cũng phải làm theo đường lối do Bắc Kinh điều khiển.

Cứu nổi nguy không?

Trong buổi họp nội các khẩn cấp hôm Chúa Nhật 27 tháng 5, ngay sau khi Vinalines đổ bể, các cơ quan tảng lờ như không có chuyện gì xẩy ra, vẫn báo cáo mọi thứ đều rất tốt. Nhưng cuối cùng lại loan báo là, trong 7 tháng còn lại của năm nay, Hanoi sẽ tung vào thị trường thêm 25 ngàn tỷ đồng VN để cứu nguy kinh tế. Lần đầu tiên từ nhiều năm nay, lạm phát tại VN xuống còn một con số. Nhưng tăng trưởng kinh tế quá thấp (4% quý một) và chỉ số tiêu dùng trong dân chúng đang ở số âm. Sản phẩm làm ra không bán được chất cao như núi, lại là những dấu hiệu rất khác thường. Tờ Financial Tiems mới đây đã đưa ra nhận định: “Tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam có thể là sự ngắt mạch khỏi thị trường toàn cầu. Nhưng sự ngắt mạch này là có lý do: đầu tư vào Việt Nam chỉ dành cho những người dũng cảm.”

Chỉ số PMI (Purchasing Managers Index) tháng 5/2012 do Ngân hàng HSBC công bố cho thấy điều kiện kinh doanh của ngành sản xuất tại Việt Nam vẫn đang xấu đi. Theo báo cáo này, chỉ số PMI ngành sản xuất đã giảm từ mức 50 điểm vào tháng 3 xuống còn 48 điểm trong tháng 5/2012. Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh Nghiệp nhỏ và vừa cho hay, vấn đề khó khăn nhất của các công ty hiện nay là bí đầu ra. Bây giờ với nhiều mặt hàng thiết yếu người dân cũng mua rất ít. Nhu cầu trên thị trường đã giảm khá mạnh do người dân thực hiện tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu. Hiện nay, tình trạng sản xuất đang giảm đáng ngại ở hầu hết các ngành từ dệt may, giấy, da giày, nhựa, ô tô, xe máy, thép, điện tử, ngay cả nước mắm... Kiếm được một đơn dặt hàng cũng rất “trần ai.” Các ngành sản xuất khác như: xi măng, thép, ô tô, xe máy, thiết bị điện, thiết bị xây dựng... thì sản xuất đã giảm quá mạnh từ đầu năm tới nay. Nhiều ngành chỉ còn sản xuất chừng 50-60% công suất. Những ngành có lượng hàng tồn kho cao là đường mía, sắt thép, xi măng, ô tô và xe máy... Xăng dầu cũng tồn kho đến 106.000 tấn, cho dù Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã tạm ngừng hoạt động để kiểm tra.

Thống Đốc, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn văn Bình, được báo lề đảng dẫn lời cho biết, từ đầu năm đến nay, (NHNN) tung ra thị trường 180.000 tỷ đồng để mua vào 9 tỷ Đôla, cơ quan này cũng đã bơm ra thêm 60.000 tỷ đồng nói là phục vụ các chương trình nông nghiệp và nông thôn. Đó là chưa kể, cuối năm 2011, để gánh nợ cho 14 ngân hàng thương mại mất khả năng thanh khoản, bị xóa tên bằng cách sáp nhập vào các ngân hàng khác, NHNN đã "bơm" ra thị trường 30.000 tỷ đồng nữa. Tổng cộng Hanoi đã đưa vào thị trường một khoản tiền đồng quá lớn, đến 270 ngàn tỷ đồng trong 6 tháng.

Cứu phe nhóm

Quý một năm nay, NHNN nói là mỗi 3 tháng sẽ giảm lãi xuất huy động 1 điểm. Nhưng mới đến tháng 6, NHNN đã đột ngột hạ lãi xuất huy động đến lần thứ tư, trong vòng 3 tháng, tổng cộng 5 điểm, từ 14% xuống 9%. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn không hưởng ứng vay mượn nữa. Tiền vẫn ứ đọng trong ngân hàng. Từ năm ngoái đến nay, 100 ngàn doanh nghiệp đã chết hẳn, đâu còn doanh vụ gì nữa mà có thể vay vốn. Số còn lại thì nhiều công ty cũng đang kiệt sức, không còn đủ khả năng, điều kiện để vay vốn nữa. Những gì mà giới ngân hàng hình dung rằng doanh nghiệp - trong thảm cảnh khát vốn, sẽ "bập" ngay vào vốn vay khi lãi suất huy động giảm, đã không hề xảy ra. Lượng tiền cho doanh nghiệp vay đến giữa năm mới ở mức từ 3% đến 5%, so với kế hoạch đề ra trước đó. Tình thế này quả nhiên không còn nằm trong vòng kiểm soát của Hanoi và nhóm lợi ích ngân hàng.

Nếu NHTM không có đủ “con nợ” để sống còn thì sẽ rơi vào tình trạng huề rồi đến âm vốn không còn xa. Đề phòng tình huống này, Hanoi đang xoay qua toan tính giao cho các ngân hàng trong đảng huy động vàng, bầy trò ăn cướp 1000 tấn vàng của dân bằng nghị định 24 dành độc quyền buôn bán vàng cho nhà nước. NHNN giữ vàng, dân chúng giữ tấm giấy, gọi là chứng chỉ. Gần đây báo lề đảng còn tung tin kiểu cướp cạn : “vàng miếng bị cong coi như mất giá trị !” Tiến sĩ Phạm đỗ Chí, chuyên gia có 30 năm nghiên cứu về vàng tại IMF (International Monetary Fund) đã báo động việc này, và cảnh giác Hanoi đừng huy động vàng, nếu sờ vào vàng “sẽ phỏng tay”.

Một phần của thâm ý giảm lãi xuất huy động đột ngột là Hanoi muốn dân chúng dồn tiền cứu ngành bất động sản đang giẫy chết. Cùng với mưu toan này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, sắp tới Hanoi sẽ tung vào thị trường thêm 300 ngàn tỷ nữa để cứu Bất Động Sản - một nơi quy tụ nhiều tay quyền lực trong Cộng đảng có hùn hạp rất lớn khu vực này và thị trường chứng khoán. Cuối cùng thì đổng tiền cũng chĩ chạy vòng quanh hết nhóm ngân hàng, rồi sang tay nhóm đặc quyền nhà đất, công ty quốc doanh, chứng khoán... chia nhau ăn hết. Trong khi trên 3 triệu gia đình nghèo đói thuộc 33 tỉnh đang xin trung ương cứu đói, chẳng hề biết đến chuyện các nhóm quyền lực thi nhau bòn rút hết tiền tài của cả nước (Vietstock, 08/06/2012).

Hãng thông tấn AFP mới đây có bài nhận định nỗ lực tái cơ cấu khu vực ngân hàng Việt Nam đang bị chệnh hướng do chịu ảnh hưởng của các nhóm quyền lực. Hiện có tới 42 ngân hàng nội địa và nhiều ngân hàng trong số này ngập lụt nợ xấu do cho các doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém vay mượn quá nhiều. Tổng số nợ của khối doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam vào khoảng 20 tỷ đôla và việc các ngân hàng siết tín dụng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong vòng 16 tháng qua, đã có khoảng 100 ngàn doanh nghiệp chết hẳn.

Kinh tế gia hàng đầu của Việt Nam, ông Vũ Thành Tự Anh, nghi ngờ về nỗ lực tái cơ cấu ngành ngân hàng: “Hồi cuối năm ngoái, NHNN quyết định sáp nhập ba ngân hàng Đệ Nhất, Tín Nghĩa và Sài Gòn do các ngân hàng này gặp khó khăn về thanh khoản. Ba ngân hàng đầu tiên sáp nhập không những không bị mất vốn, chủ sở hữu vẫn tại vị, mà còn được NHNN bơm thêm vốn, được BIDV hỗ trợ thanh khoản. Các ngân hàng này đã được thưởng vì làm sai”.

Ngay trong lãnh vực nông nghiệp, các chuyên gia trong ngành cũng nêu ý kiến: tái cơ cấu nền kinh tế chính là “xóa cờ đi xếp lại.” và đặt căn bản vào nông nghiệp, chứ không phải chỉ chú trọng đến công kỹ nghệ hay ngân hàng như quan niệm hiện nay. Trong nhóm này, Tiến sĩ Đặng kim Sơn được coi là tiếng nói mạnh mẽ, tiêu biểu nhất.

Hôm mùng 8 tháng 6, báo Dân Trí thuật lời Thống Đốc NHNN Nguyễn văn Bình báo trước rằng, thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với các bộ ngành để thành lập công ty mua bán nợ quốc gia, góp phần xử lý khoảng 100.000 tỷ đồng nợ xấu của hệ thống ngân hàng (tương đương 10% nợ xấu toàn hệ thống). Theo ước tính của các chuyên gia, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cao hơn con số NHNN đưa ra rất nhiều.

Một tuần sau khi tin trên loan ra, Các chuyên gia công khai đặt vấn đề, NHNN không thể dùng tiền thuế của dân để chỉ cứu các nhóm “có quan hệ tốt hay thân quen”. Thực tế cho thấy, đa số các ngân hàng đều đầy rẫy các tay có thế lực trong nhóm làm ăn nhiều mánh khóe, họ đã “đầu cơ” rất nhiều nơi bất động sản và chứng khoán, vì vậy việc giải cứu nợ xấu có ý nghĩa rất lớn đối với những thành phần này. Tiến sĩ Lê đăng Doanh cho rằng, “nếu 100 ngàn tỷ đó được bơm vào các doanh nghiệp có hiệu quả thì nền kinh tế có thể có chuyển biến. Tuy nhiên nếu mua nơi nợ xấu thì nền kinh tế sẽ không hồi phục được bằng phương thuốc mua nợ.”

USD bị đồng hóa

Về số tiền 180 ngàn tỷ Hanoi tung ra để mua 9 tỷ Đôla, Dự Báo Kinh Tế đăng lời tố cáo của luật sư Lê quốc Quân, đặt vấn đề, tiền in ra quá nhiều sao lại không gây lạm phát, không có tiền trong lưu thông? Câu trả lời cay đắng này dành cho những ai đang có tiền Đôla đang gửi ở Ngân hàng. Lượng “ngoại tệ” dự trữ 20 tỷ Đôla Cộng đảng đang giữ thực chất một phần là tiền Đôla của nhân dân gửi trong các Ngân hàng đã bị Hanoi “đánh tráo”. Nhà nước đã in tiền giấy ra và bơm vào hệ thống ngân hàng để rút tiền Đôla của dân về theo một chu trình khép kín. Thực chất dân không còn tiền Đôla nữa mà đã bị “quốc hữu hóa” toàn bộ số Đôla của dân trong ngân hàng.

Trước khi làm trò gian trá này, ngày 20 tháng 10 năm 2011, Hanoi đưa ra nghị định 95/2011/NĐ-CP quản lý Đôla và vàng lá nghiêm ngặt. Nghị định này hiệu lực tức thời, và có những chế tài khủng khiếp. Giao dịch Đôla, vàng khi bị bắt sẽ bị tịch thu hết tang vật bị phạt lên đến 500 triệu đồng. Người gởi Đôla trong ngân hàng chỉ còn cách chịu vậy để lấy tiền lãi theo quy định thôi. Họ chỉ được rút Đôla ra để làm các công việc “chính đáng” theo luật mà các công việc đó thì đòi hỏi rất nhiều thủ tục, giấy tờ khó khăn mới chứng minh được.

Cần đến 70 tỷ Đôla?

Các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam cần đến 70 tỷ Mỹ kim, tương đương 65% GDP của VN, mới đủ kích thích được nền kinh tế đang suy sụp như ngày nay. Nhưng tiền này ở đâu? Tin tức chưa được kiểm chứng tiết lộ rằng, nhiều nước đang ép Hanoi vay khoản tiền này của IMF (International Monetary Fund), để khỏi quỵt nợ của họ trong các vụ Vinashin, Vinalines và nhiều công ty quốc doanh sắp phá sản kế tiếp. Dù cho 70 tỷ Đôla hay hơn thế nữa, cũng sẽ tiêu tan dần. Bởi nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa còn phải nuôi các bộ máy “ăn theo” như hệ thống đảng, công ty quốc doanh, mặt trận và cơ quan công an mật vụ khổng lồ... thì số tiền vừa nói cũng không được bao lâu.

Trần Nguyên Thao
June 15, 2012