Friday, December 23, 2011

Trần Nguyên Thao - Kinh Tế Việt Nam: Nằm Lì Hay Rẽ Hướng?

          Thượng tuần tháng Mười, Cộng đảng xác định, trong năm năm tới sẽ đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tái cấu trúc nền kinh tế bao gồm tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công, ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước (1). Tuy nhiên, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng phải cải cách chính trị và để cho nền kinh tế được tự do hơn nữa. Về vấn đê này, Jonathan Pincus, người cầm đầu chương trình giảng dậy kinh tế Fullbright ở Saigon nói, việc thừa nhận cần có mô hình mới cho kinh tế chưa đủ, mà còn phải dám can đảm áp dụng một “cấu trúc chính trị mạch lạc” cho trường hợp VN.

          Cộng đảng chẳng những không muốn cải tổ chính trị mà còn gia tăng trấn áp mọi thành phần, nhất là đàn áp Công Giáo như chưa từng thấy (xin đọc các tường trình về cs tấn công giáo xứ Thái Hà, và Dòng Chúa Cứu Thế VN tại Hanoi đăng trong số báo này).  

          Hầu hết doanh nghiệp và chuyên gia trong ngoài nước đều nhận xét rằng, mọi giới đang ‘mất niềm tin” vào cách điều hành nền kinh tế quốc gia của cộng đảng. Lạm phát, lãi xuất vay mượn và vật giá cao nhất Đông Nam Á. Tiền đồng xuống dốc tự do. Ngân hàng thương mại thì trầm mình trong cảnh huống nợ xấu chồng chất; còn thị trường chứng khoán Saigon đã chạm đáy.

Quỵt nợ không xong  

          Biểu tượng thảm bại của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một đống nợ nần chiếm 70% tài nguyên toàn quốc, mà Vinashin, cho đến nay, được coi là phá sản lớn nhất trong loạt thất bại này. Hanoi cho  bán với giá phá sản 200 công ty trong hệ thống Vinashin. Và cho lệnh tái cấu trúc 22 công ty để nhì nhằng kéo dài tình trạng thiếu minh bạch, mong đi đến quỵt được nợ !   

          Nhưng mọi chuyện có vẻ “không ngon ăn” như Hanoi tính. Đầu tháng 11, tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin cùng 22 tổng công ty con tại Việt Nam đã bị công ty tài chính Elliott của Hà Lan, một trong số các chủ nợ của Vinashin khởi kiện tại tòa án Luân Đôn. Đơn kiện liên quan tới khoản 600 triệu đô la Mỹ mà Vinashin vay các chủ nợ nước ngoài qua trái phiếu, trong đó khoản trả lần đầu 60 triệu đô la đã đáo hạn hồi tháng 12 năm ngoái nhưng Vinashin chưa thể thanh toán.  

          Giới quan sát nhận định, nếu Hanoi giải quyết “vụng về” vụ Vinashin sẽ  là gánh nặng đối với triển vọng của Việt Nam, gây tổn hại danh tiếng của Việt Nam trước giới tài chính quốc tế và có khả năng làm chậm lại dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.  

          Theo thỏa ước thương mại Việt-Mỹ, từ năm 2010, các ngân hàng thương mại Mỹ sẽ vào làm ăn ở VN. Cho đến cuối năm 2011, tỷ giá đồng bạc VN vẫn tuột dốc không ngừng, lạm phát còn quá cao, 22% trong tháng 10, cách làm ăn thiếu minh bạch như kiểu Vinashin . . . Những yếu tố đó đã làm cho ngành tín dụng Mỹ còn đang do dự  (?).  

          Vinashin, con đẻ của chóp bu quyền lực, tận hưởng mọi ưu thế mà không có bất cứ tập đoàn công nghiệp nào có được. Ưu đãi tuyệt đối về tài chánh, đỉnh điểm là Hanoi đã phát hành 600 triệu Mỹ Kim trái phiếu với mục đích giúp vốn cho Vinashin. Hậu quả là “mũi nhọn của nền kinh tế - Niềm hãnh diện của chế độ” sụp đổ mùa Hè năm 2010, để lại khoản nợ 4.5 tỷ USD, xấp xỉ 4.5% tài nguyên quốc gia quốc gia, món tiền to lớn này toàn dân sẽ phải trả qua hình thức tăng thuế !    

          Cuối tháng 11 năm 2010, Hanoi hứa sẽ làm sáng tỏ vụ Vinashin, gần cuối tháng 3 năm 2011, sau 117 ngày, đảng và nhà nước mặc cả, tương nhượng đi đến “thỏa hiệp”, Cộng đảng chính thức công bố là, “Bộ Chính trị đã quyết định không xử lý kỷ luật đối với tập thể và cá nhân các quan chức cấp điều hành có sai phạm trong vụ tập đoàn quốc doanh Vinashin bị sập tiệm.”   

Các Nhóm Quyền Lợi   

          Căn tính bao che các nhóm quyền lợi trong Cộng đảng là yếu tố để bạo quyền tồn tại, Vinashin chỉ là một trường hợp điển hình, nhiều đại công ty khác như công ty thông tin viễn thông điện lực (EVNTelecom), tổng công ty xăng dầu (Petrolimex VN), điện lực VN (EVN) luôn khai lỗ. Và được công luận nói là liên hệ “ruột rà” với Bộ Công Thương, hai công ty này thi nhau lên giá (6 năm qua, điện đã tăng giá 50%), xăng dầu và các sản phẩm khác từ dầu hỏa, dân chúng phải tiêu dùng cũng thi nhau lên giá. Cách tăng giá vô tội vạ này đã đẩy đa phần dân chúng nghèo khổ vào một cuộc sống thê thảm chưa từng thấy !     

          Ngoài các nhóm quyền lợi trong lãnh vực công, còn có những nhóm lợi quyền do tư nhân hình thành thuộc các ngành nghề chuyên biệt, họ là những thành viên của một ngành sản xuất, hay một ngành công nghiệp. . . Họ cùng nhau liên kết lại, nhân danh quyền lợi xã hội, người tiêu dùng, tác động lên chính sách quốc gia  như thuế khóa, bảo hộ, giá thuê đất, tín dụng… bằng quyền lực “mềm” nhằm trục lợi tối đa cho nhóm của mình. Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Việt Nam (VAMA) thuộc nhóm này. Mười một nhà đầu tư nước ngoài (FDI) của hiệp hội đang nắm trong tay quyền “điều động” thị trường ô tô Việt Nam. Bất chấp cam kết nội địa hóa 50% linh kiện trong vòng 10 năm, đến nay, sau 14 năm, tỷ lệ linh kiện nội hóa chưa quá 10% và giá ô tô tăng liên tục. Viễn ảnh “hoành tráng” về một nền công nghiệp xe hơi đâu không thấy chỉ thấy người tiêu dùng bị móc hầu bao vô tội vạ, còn lợi nhuận khổng lồ rót đầy túi riêng các đại gia và những người “đỡ đầu” cho họ.    

          Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, nói với đài phát thanh Á Châu Tự Do hôm 17 tháng 11 “Cả hai nhóm quyền lợi công và tư, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân hiện nay đều liên kết chặt chẽ với những người có chức có quyền, bởi vì qua đó họ có thể nhận được đất, được giấy phép đầu tư, nhận được tín dụng lớn và còn nhận được nhiều đặc quyền đặc lợi khác nữa. Trong một cơ chế còn thiếu công khai minh bạch thì nhóm quyền lợi bao gồm cả công và tư và trung tâm luôn là người có quyền quyết định. Việt Nam chưa có luật cũng như cơ chế giám sát hữu hiệu đối với các nhóm quyền lợi này”.   

          Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên Cứu IDS, thì nói huỵch toẹt ra rằng, nhóm quyền lợi lớn nhất và mạnh nhất ở Việt Nam hiện nay là nhóm những người lãnh đạo chóp bu Cộng đảng.   

Đánh bùn sang ao  

          Hanoi vừa giao cho các bộ tự tái cơ cấu trong phạm vi trách nhiệm của mình, mà trên thực tế thì nhiều bộ đang bị chi phối bởi các nhóm quyền lợi riêng, chẳng hạn như Bộ Tài Chính thì cải tổ doanh nghiệp nhà nước, Ngân Hàng Nhà Nước thì cải tổ ngân hàng thương mại, còn Bộ Kế Hoạch Đầu Tư thì lại cải tổ các cơ chế liên quan đầu tư công. Cải tổ kiểu này thì đúng là “diễn tuồng” cho có, hay là một cách “đánh bùn sang ao”. Cộng đảng biết là làm kiểu này thì lộ nguyên hình  “đảng ố” nên cho đàn em đưa đề nghị, Trung Ương đảng và Quốc Hội cần phải tăng cường vai trò giám sát để tác động một cách tích cực hơn nữa vào việc xem xét các đề án cũng như giám sát việc thực thi mà chính phủ sẽ phải thực hiện.   

          Nhưng đại biểu quốc hội đa phần cũng là đảng viên cộng sản và còn là các viên chức cao cấp nhất trong bộ máy nhà nước từ  thủ tướng, phó thủ tướng, nhiều bộ trưởng đều nằm trong quốc hội. Nếu cùng một người vừa có tên trong ban tái cấu trúc, cùng lúc có tên trong ban thanh tra, giám sát thì đúng là phường tuồng, tự biên tự diễn, tự cho điểm !   

          Dân Tộc Việt Nam có muốn đi vào kỷ nguyên đổi thay để sánh bước với nhân loại hay nằm lì đều do quyết tâm của toàn dân mọi giới. Cộng đảng cầm quyền đang ra sức ru ngủ Dân Tộc Việt thêm lần nữa bằng chiêu bài năm năm tái cấu trúc nền kinh tế, nhưng Hanoi lại không nói gì đến cải tổ chính trị cho phù hợp với nguyện vọng toàn dân và điều kiện cần có của nền kinh tế thị trường.   

          Nương vào đà này, toàn dân phải can đảm đứng lên đòi Hanoi cải tổ chính trị để Việt Nam có một nền Dân Chủ, Tự Do thực sự.

Trần Nguyên Thao 
November 20, 2011 

(1) Tổng bí thư Cộng Đảng Nguyễn phú Trọng tuyên bố chương trình tái cấu trúc nền kinh tế năm năm , ngày 10 tháng 10 năm 2011, sau đai hội BCH Trung Ương đảng  kỳ 3. Xin xem lại bài  Kinh Tế VN : Cải Tổ hay là chết, tháng 11 năm 2011. 

No comments:

Post a Comment