Tạp Luận 1
T Ộ I C Ủ A K H Ổ N G T Ử
Ngô Đình Vận
Đêm “giao thừa” Tết Mỹ là ngày 31 tháng 12 năm 2011, miền Nam California trời lành lạnh, sương mù lan tỏa làm mờ hẳn mảnh trăng khuyết treo lơ lửng trên đỉnh cội thông già.
Một năm nữa sắp qua đi, bao nhiêu năm đã trôi qua mà riêng cái niềm xao xuyến, bồi hồi vẫn ngóc đầu nhỏm dậy trong tâm tình của một người xa xứ.
Chờ đợi, chẳng có điều gì để làm, để lấp đầy cái khoảng trống cay nghiệt nên đành phải mở cuốn Chu Dịch của tác giả Sào Nam Phan Bội Châu coi lại.
Lật đại ra, ai dè trúng ngay quẻ Trạch Sơn Hàm. Ngó vào trang Lẻ 583 (Chu Dịch Hạ Kinh), đụng nhằm một câu in đậm: “Nhu Thượng nhi cương hạ, nhị khí cảm ứng dị tương dự, chi nhi duyệt nam hạ nữ…”.
Trời đất cái gì “Nam hạ Nữ” , thốt nhiên giựt mình tới thót người. Thế này thì Soán Truyện của Vạn Thế Sư Biểu Khổng Khâu “có vấn đề rồi”; câu in đậm được tác giả Phan Bội Châu giải là “… Theo về tượng quẻ thời Cấn tượng là thiếu Nam, Đoài tượng là thiếu Nữ, Nam trước cầu Nữ mà chịu ti hạ với Nữ… góp mấy câu trên ấy, rặt hợp với đạo tương cảm…”.
“Nói trộm vía Đức Thánh Khổng” thì Vạn Thế Sư Biểu đã đắc tội với con người quá lắm. “Cái khuôn vàng thước ngọc” của “Sư Biểu” với Tam Cương, Ngũ Thường đã giáng họa cho “ngàn đời sau biết nhường nào”.
Ở đây chúng tôi xét theo Văn Bản chứ không hề đả động tới cái quan niệm sống của Thời Xuân Thu.
Cái phần Ngũ Thường là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín của Đức Thánh Khổng đều có nhiều rối rắm đến độ mâu thuẫn.
Thứ nhất là Bất Nhân
Vì người có lòng Nhân thì phải cư xử công bằng với mọi con người, thế mà Khổng Tử lập ngôn trên Văn Bản, định ra chuyện “kỳ thị giới tính”, trọng Nam khinh Nữ. Đức Thánh Khổng coi một nửa thế giới là phe Nữ được ví như tiểu nhân, còn phe Nam giới được ví như quân tử.
Cho dù đi vào chi tiết về việc lý giải còn tùy thuộc vào vị trí của các hào từ. Dương phải ở vị trí Lẻ, Âm phải ở thế Chẵn. “Nam hạ nữ, thị di hanh lợi trinh”, “Trai phải cúi xuống cầu gái…”. Xét về ngôn từ rõ ràng đặt Nam trên Nữ, tước đoạt nhân phẩm của nữ giới, coi nữ giới như rơm rác, tiểu nhân khiến cho hơn nửa thế giới mang họa.
Có thể Học thuật của Đức Thánh Khổng uyên thâm còn lý giải vô lượng, cũng có thể 72 đệ tử đều là Nam giới đã diễn nghĩa sai đi, rồi sau đó đến đời Hán Vũ Đế (156 - 87 trước Công nguyên) nghe theo ý kiến của Đổng Trọng Thư là dẹp các học thuyết khác (Bách gia chư tử) để đưa Nho học lên ngôi vị độc tôn nhằm bảo vệ vương triều Quân Chủ Phong Kiến đời nhà Hán.
Sau đó, tới thời nhà Tống, lại có Chu Hi, Trình Hạo nâng học thuật Khổng Nho lên hàng Đạo Giáo. Chu Hi (năm 1130 Tây lịch) với Lý, Khí học và Biến, Hóa được đời sau gọi là Tống Nho.
Đạo Nho từ đời Tống về sau này truyền qua các triều đại Minh, Thanh như một chỗ tựa lưng của các chế độ Quân Chủ Phong Kiến. Đạo Nho ấy đã ảnh hưởng rất mạnh tới các triều đại Hậu Lê tới nhà Nguyễn (Gia Long); do đó người ta không lấy gì làm lạ khi thấy Kinh Dịch Trọn Bộ được Ngô Tất Tố dịch và chú giải (xuất bản năm 1953) có cả phần tựa của Trình Di.
Ngoài ra, sách Luận Ngữ lừng danh với câu “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Đức Thánh Khổng cổ xúy đạo Nhân mà chỉ cho Nam giới được làm người (quân tử) thì thật là ác nghiệp.
Thứ Hai là Bất Nghĩa
Mẹ đẻ ra, cho con bú mớm, Cô, Dì… nhiều phụ nữ khác bồng bế, nấu ăn, dệt vải… giúp đứa bé lớn lên thành người lấy vợ, có con mà lại thẳng thừng xếp nữ giới tỷ như Tiểu Nhân thì quá tệ. Hơn thế nữa lịch sử Bắc Phưong (Trung Quốc) thời cổ cũng là (chế độ) Mẫu hệ.
Thứ Ba là Thất Lễ
Đối với Mẹ mà coi thường Mẹ là Bất Hiếu, đối với phụ nữ lớn tuổi hơn mà coi họ tỷ như Tiểu Nhân là vô phép, bất kính “đáng trách thay!”.
Thứ Tư là Thất Trí
Người chủ trương phải tu thân thành kẻ biết suy nghĩ, sáng suốt để phân định điều hay, điều dở, lẽ phải, lẽ trái nhưng tu mãi hóa ra bị “tẩu hỏa nhập ma” thành ra cuồng vì kiêu hoặc là “Đức Thánh” tu thân hóa thánh nên Thánh Trí khác với Phàm Trí.
Thứ Năm là Bất Tín
“Đức Thánh” tự tin về nguyên tắc là quy luật của mình để dạy hầu hết Nam đệ tử nhằm cứu đời giữa thời tao loạn Xuân Thu. Xiển dương Nhân, nghĩa, Lễ, Trí, Tín để “Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ” mà tự căn bản đã vấp phạm tất cả các lỗi lầm như thế tức là thiếu lòng thành “chẳng là đáng trách lắm ru”.
Đêm cuối năm Tết Mỹ ngồi chờ thời gian qua đi của đêm giao thừa lại đụng vào một nỗi thắc mắc lớn mà cái sở học thì nông cạn nhưng cũng đành phải “tạp luận” để trút bớt nỗi niềm.
Về mặt tiểu sử, Khổng Khâu sinh ra ở Khúc Phụ nước Lỗ năm 445 trước Công Nguyên, tính tới nay gần 2457 năm. Chu Dịch được coi là trải qua 4 vị Đại Thánh làm ra gồm Phục Hy, Văn Vương, Chu Công, Khổng Tử.
Người san định Dịch học rồi viết thêm Thập Dực khiến cho Dịch học mọc cánh bay lên chính là Khổng Tử. Học thuật của Đức Thánh Khổng uyên bác như thế nào thì đã biết bao nhiêu người được gọi là trí giả qua bao nhiêu thời đại từ trên 2400 năm qua học hỏi và quảng bá. Sách vở nghiên cứu, bàn luận, loan truyền bao trùm Châu Á, sau này còn lan rộng khắp thế giới nữa.
Tuy nhiên cái Nhân của Khổng Nho gây ra đã di hại tới các đời sau mà cái quả là thảm họa cho nhiều xã hội Đông Phương đó là việc khinh thường Nữ giới; điều này gây ra tội ác bạo hành đối với Phụ nữ ở nhiều nước Á Châu. Coi rẻ Phụ nữ trở thành tập quán của nhiều xã hội chịu ảnh hưởng bởi Khổng Nho.
Thảm họa tàn sát Nữ giới từ trứng nước mà cho tới bây giờ đêm 31 tháng 12 năm 2011 còn nghe được là hàng triệu bé gái đã bị giết từ khi lọt lòng mẹ ở khắp Trung Quốc. Xã hội Trung Quốc ngày nay lâm vào thảm kịch trai thừa gái thiếu tới mức vô phương cứu chữa.
Đối với đám dân tỵ nạn gốc Việt thuộc thế hệ thứ nhất đã định cư ở Mỹ cũng lãnh lấy chuyện “quả báo nhãn tiền”. Ở xã hội Mỹ theo trật tự thì được tính bằng đẳng cấp được ưu đãi gồm: thứ nhất là trẻ em, thứ hai là Nữ giới, thứ ba là chó, mèo… thấp nhất là Nam giới, liệu đàn ông có nên vùng dậy để đòi quyền bình đẳng với Nữ giới hay không?
Đêm cuối năm đón “giao thừa” Tết Mỹ mà viết tạp luận xét tội Khổng Tử cũng là cách giải tỏa nỗi niềm u uẩn. Học thuyết Khổng Nho còn nhiều lỗi lầm “ra Giêng ngày rộng tháng dài” chúng tôi sẽ bàn kỹ lưỡng. Dường như trước đây Lão Tử đã chê Khổng Tử bày ra Lễ, Nhạc chỉ thêm nhiễu sự… có phái trong Bách Gia Chư Tử còn chỉ trích Khổng Tử thiếu Tri Hành Hợp Nhất đại ý rằng “Nho gia chỉ lắm miệng dạy đời, chỉ biết ăn bám mà không hề biết trồng nổi một cây lúa…”.
Tóm lại, Khổng học ở thời đại tiến bộ, tự do, dân chủ, nhân quyền thì quá hủ lậu không thể nào ứng dụng được nữa.
Ngô Đình Vận
No comments:
Post a Comment