Tạp Luận 5
Nhiều Cao Sĩ Cùng Thời Khổng Chê Đạo Nho Thủ Cựu
Ngô Đình Vận
Khổng Tử một đại chính khách của nước Lỗ đã “lê gót giang hồ” ở vùng Hoa Hạ thời Xuân Thu nhưng vua các nước Chư hầu đều chê là Học thuật của Khổng Tử thủ cựu, không thực tế.
Nhiều Cao sĩ, Quan đại phu nhiều nước chê Khổng Tử chủ trương theo lễ nghĩa nhà Tây Chu là cổ hủ.
Theo bài Tiểu tựa của Trí Đức Tòng Thơ mở đầu sách Truyện Đức Khổng Tử của Đoàn Trung Còn thì cuộc đời của Đức Thánh Khổng rất gian nan. Tiểu tựa viết: “Tiếc thay! Ngài sinh nhằm thời loạn, nhằm một thời kỳ mà gươm giáo và mưu gian luôn luôn đắc thắng, Ngài đã chịu lấy sự thiệt thòi của hạng trí thức văn nhân. Nhiều năm làm quan ở nước Lỗ, thăng tới chức Tể Tướng Nhiếp Chánh; công lao khôn xiết, thế mà khi bị người bạc đãi, phải sấp lưng đi, không được một tiếng cám ơn, một lời lã dã.
Về sau ba mười ba năm mòn bánh xe trên các con đường trong cõi thiên hạ nhà Châu, trải qua bảy mươi hai nước chư hầu không một nơi nào trọng dụng Ngài…
Đến chết đời đời đua nhau phong tặng… người ta thờ kính Ngài, đưa Ngài lên làm Giáo chủ một Tôn Giáo tức là Nho Giáo”.
Trong thời đại của Khổng Tử, theo sách Sử Ký của Tư Mã Thiên thì đã có cả 3000 người là học trò của thầy Khổng. Nhiều tài liệu khác ghi nhận trong số đông đảo đệ tử đã có 72 người đạt tới mức hiền giả, người đời sau quen gọi là “Thất Thập Nhị Hiền”.
Về phía bài bác Khổng Tử ngay trong thời đại của ông cũng có nhiều cao nhân, ẩn sĩ.
Sử gia Hồ Thích trong cuốn Trung Quốc Triết Học Sử đã rất chú ý tới các phương pháp Hiệu Khám (chỉnh lý thư tịch cổ) và Huấn Hỗ (chú thích cổ văn) của các nhà nghiên cứu Khổng Học vào đời nhà Thanh. Hồ Thích cũng viết rằng: “Muốn biết học thuyết của Khổng Tử cần phải biết thời đại của Khổng Tử”. Từ ý kiến này nhiều người đi sau đã chế ra rằng: “Phải đặt Khổng Tử vào thời đại của ông thì mới có thể phê phán Khổng Tử được”.
Ở đây chúng ta không loại bỏ bất cứ phương pháp nào để tìm hiểu một nhân vật nhiều huyền thoại như Khổng Tử. Tuy nhiên về mặt phê bình để chắc ăn, chúng ta nên đặt Khổng Tử vào giữa những cao nhân, ẩn sĩ, đại phu cùng thời với Khổng Tử để nghe họ nói gì về Khổng Tử.
Những vị này là những ngưòi đã gặp gỡ, đối đáp, biện luận với Khổng Tử chẳng hạn như Lão Tử, Án Anh, Tử Tây, Tử Lộ, Mặc Tử… là những người sống ở thời Xuân Thu, Chiến Quốc. Phương cách này sẽ giải quyết ổn thỏa cái ý kiến cho rằng: “Người đời sau hiểu sai Khồng Tử vì không sống ở thời đại của ông”.
Một điều đặc biệt may mắn cho chúng ta là đang sống trong thời của Internet vì thế chúng ta rất dễ tìm ngay ra được các tài liệu cũ, cổ thư liên hệ tới học thuật của Trung Quốc gồm nguyên bản hoặc được dịch ra Anh Ngữ, Pháp Ngữ…
Chúng ta chỉ cần đánh máy vài chữ như “Confucius Documents”, “I Ching”, “Chung Yung”… là tìm ngay được cả “mạng lưới thư viện” với nhiều tác giả danh tiếng như James Legge, Arthur Waley, Charles Muller, Wang Tao, Hong Rengan, Wang Pi, D.C Lau…
Đặc biệt học giả James Legge (1815-1897) là nhà nghiên cứu về Văn Hóa Cổ Đông Phương thuộc Đại học Oxford Anh quốc. Ông này được sự hợp tác của các học trò người Hoa nên đã dịch nhiều kinh sách cổ của Trung Hoa trong các năm 1893, 1895, 1899 nằm trong khoảng thời từ Từ Hy Thái Hậu của nhà Thanh, Trung Quốc.
Trong thời gian ở Hồng Kông, James Legge đã dạy nhiều học trò người Hoa, lớp học trò này về sau được coi là mở đầu cho Tân Học phái Văn hóa, Triết học của Trung quốc.
Như trên chúng ta đã nói về sự ích lợi của Internet để tìm kiếm tài liệu tham khảo; tiện đây chúng ta thử áp dụng sự đối chiếu tài liệu để biết được cách dịch thuật của mỗi người mà có khi khác ý với nhau.
Sau đây là một vài thí dụ qua sách Luận Ngữ, Thiên 07 Ung Dã (Shu R.): “Tử viết: Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng dã. Cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc oán”. Nguyễn Hiến Lê dịch: “Khổng Tử nói: Chỉ hàng tỳ thiếp và tôi tớ là khó cư xử với họ. Thân cận với họ thì họ nhờn, xa cách với họ thì họ oán”. James Legge dịch thẳng từ chữ Hán ra Anh ngữ: “Book 07 Shu R. - The Master said: Of all people, girls and servants are most difficult to behave to. If your are familiar with them, they lose their humility. If you maintain a reserve towards them, they are discontented”.
Một thí dụ khác, sách Luận Ngữ thiên 17 Dương Hóa (Yang Ho): “Tử vị Bá Ngư viết: Nhữ vi Chu Nam , Chiêu Nam hĩ hồ. Nhân nhi bất vi Chu Nam, Chiêu Nam kì do chính tường nhi lập dã dư”. Nguyễn Hiến Lê dịch: “Khổng Tử bảo Bá Ngư: Con đã học Chu Nam , Chiêu Nam chưa? Người nào không học Chu Nam, Chiêu Nam thì không khác đứng quay mặt sát vách tường”. James Legge dịch ra Anh ngữ: “The Master said to Po -yu: Do you give yourself to Chau-nan and the Shao-nan. The Man who has not studied the Chau-nan and the Shao-nan is like one who stands with his face right against a wall. Is he not so?”.
Trở lại với các sinh hoạt của Khổng Tử ở thời Xuân Thu, người đầu tiên dám mắng Khổng Tử là Lão Tử.
Sách Lịch Sử Triết Học Phương Đông của Nguyễn Đăng Thục trang 267 - 268 đã trích dịch Sử Ký của Tư Mã Thiên nguyên văn như sau: “Lão Tử là người nước Sở, huyện Khổ, quận Lệ, làng Khúc Nhân. Bắt đầu là họ Lý, danh là Nhĩ, tự Bá Dương, tên húy là Đam, làm quan sử của nhà Chu . Khổng Tử đến đất của nhà Chu hỏi Lão Tử về Lễ. Lão Tử nói: Những điều của ông nói thì người cùng xương đếu nát cả rồi chỉ còn lời nói lại thôi. Vả lại người quân tử gặp thời thì lên xe, không gặp thời thì đội cỏ bồng mà đi. Ta nghe thấy rằng người lái buôn khôn, giấu của kín như không có gì. Người quân tử giấu đức thì giáng điệu như kẻ ngu si. Người hãy bỏ cái khí sắc kiêu ngạo cùng lòng tham muốn của người đi, bỏ cái sắc thái với cái ý dâm dật của người đi, những điều ấy không có ích gì cho thân người cả. Ta chỉ có bấy nhiêu lời để bảo cho người biết đấy thôi”.
“Khổng Tử ra về gọi học trò mà bảo rằng: Chim thì ta biết nó có thể bay, cá thì ta biết nó thể lội, thú thì ta biết nó có thể chạy. Bay có thể đánh lưới bắt, lội có thể câu, chạy có thể đánh bẫy. Đến như loại rồng thì ta không biết nó cưỡi mây mà lên trời lúc nào. Nay ta gặp được Lão Tử tưởng như ta đã thấy được rồng vậy”.
Người thứ hai chê Khổng Tử là Án Anh, ông này là đại phu của nước Tề, khi tháp tùng vua Tề qua Lỗ nên đã gặp Khổng Tử. Sau khi nghe Khổng Tử nói về chuyện tòng Chu, Án Anh đã can Tề Cảnh Công không nên nghe Khổng Tử; sách Lịch Sử Triết Học Phương Đông của Nguyễn Đăng Thục đã trích một đoạn về Án Anh can vua Tề rằng: “Từ khi các bậc thánh hiền của chúng ta mất đi rồi và nhà Chu đã suy vi, lễ nhạc của chúng ta đã đồi bại vì bị quên đi rất nhiều. Ngày nay Khổng Khâu đòi lập lại lễ nhạc, lễ nghi trong triều, ngoài miếu. Như thế thì suốt đời người ta cũng chưa thuộc hết được những nghi lễ và khảo sát hết các chi tiết. Tôi tự hỏi nhà vua có nên cử dụng Khổng Khâu nếu nhà vua nghĩ tới quyền lợi của dân”.
Một Đại phu khác của nước Sở là Tử Tây cũng can Sở Chiêu Vương không nên nghe theo Khổng Tử trong việc chính sự.
Ngược lại Khổng Tử cũng chê Quản Trọng (725-645 TCN) Tể tướng của nước Tề là Quản Trọng không biết giữ lễ của đạo quân thần và Tề Hoàn Công là vua của chư hầu mà dùng lễ của Vương quyền Thiên tử.
Trong sách Luận Ngữ cũng nói tới việc Tử Lộ một đệ tử của Khổng Tử là người nóng tính, nói thẳng nên Tử Lộ đã nhiều lần can gián thầy Khổng vì sợ thầy lạm dụng “quyền biến” mà sinh họa. Sách LSTHPĐ của Nguyễn Đăng Thục ghi đại ý rằng lần ấy Tử Lộ thấy Khổng Tử và phòng Nam Tử là vợ của vua nước Vệ. Nam Tử đẹp rực rỡ nhưng rất dâm đãng. Tử Lộ đã gây gắt trách cứ vì nghi thầy sa ngã hoặc mắc phải điều tiếng thị phi “nam đáo nữ phòng..” thầy Khổng vì thế đã phải thề độc với Tử Lộ mặc dù Khổng Tử rất ghét dị đoan, tin nhảm.
Trong sách Luận Ngữ cũng ghi việc Khổng Tử phê bình nhiều đại phu, cao sĩ của các thời nhằm phản biện sự chỉ trích đồng thời giãi bầy về cái Đạo nhập thế của ông. Các nhân vật được Khổng Tử nói tới như Bá Di, Thúc Tề, Ngu Trọng, Liễu Hạ Huệ…
Một nhà tư tưởng khác là Mặc Tử (khoảng 478-392 TCN) theo Hồ Thích thì Mặc Tử qua đời vào lúc Khổng Tử đã gần 60 tuổi. Mặc Tử sinh ra ở nước Lỗ, mắt được nhìn thấy các việc quái lạ của Khổng Nho gây ra nên ông đã lập ra một phái mới để phản đối. Mặc Tử trách Nho gia rằng: “Tham ư ẩm thực nõa ư tác vụ” có nghĩa là tham ăn uống mà lại lười làm việc. Mặc Tử còn công kích Nho gia rất chi tiết rằng “Đạo Nho có bốn điều đủ làm mất thiên hạ, kẻ Nho cho rằng trời không minh, cho rằng quỷ không thiên, quỷ không bằng lòng cái đó làm mất thiên hạ. Lại chôn cất hậu, để trở lâu, làm ra quan quách nặng, chế áo khâm nhiều, đưa ma như thể dọn nhà, khóc lóc ba năm phải nâng mới dậy, phải chống gậy mới đi, tai không nghe gì, mắt không nhìn gì. Cái đó đủ làm mất thiên hạ. Lại đàn hát, trống múa, tập làm âm nhạc. Cái đó đủ làm mất thiên hạ. Lại cho là có số mệnh. Nghèo, giàu, sống lâu, chết non, thái bình, loạn lạc, an lành, nguy hiểm đều có khuôn sẵn, không thêm bớt. Người trên làm theo ý ấy, ắt không nghe đến chính trị vậy. Kẻ dưới làm theo ý ấy, ắt không thiết đến làm việc vậy. Cái đó đủ làm mất thiên hạ”.
Nho học sau khi Khổng Tử mất thì đám đệ tử của ông đã chia phe, họ luôn luôn tranh cãi với nhau rồi chia thành 8 phái và phái nào cũng tự nhận là Khổng Nho chính thống.
Trong hàng đệ tử của thầy Khổng có Tăng Sâm (505-435 TCN) là học trò nhỏ tuổi nhất; Tăng Sâm cũng được cho là người viết sách Đại Học. Cuốn sách này giải thích rõ về Tam Cương là Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ được coi là sách quan trọng để học đạo nho.
Tăng Sâm (Tăng Tử) cũng là thầy dạy Khổng Cấp (Tử Tư) tức là cháu nội của Khổng Tử. Tử Tư được coi là người viết sách Trung Dung, sách này giảng giải thêm về cái đạo của Khổng Tử là luôn luôn giữ mình ở mức vừa phải không thái quá hoặc bất cập.
Trong sách Trung Dung, Tử Tư đã viết một câu quan trọng rằng: “Tổ thuật Nghiêu Thuấn” tức là thuật lại chuyện Nghiêu Thuấn như bậc tổ của mình chính vì vậy mà phái Tân học cho rằng Khổng Tử đã viết ra Ngu Thư tức là Kinh Thư kể chuyện hai đời Ngu, Thuấn.
Tiếp theo là Mạnh Tử (371-287 TCN), ông này là học trò của Tử Tư; Mạnh Tử đã cực lực đả kích các học phái khác ở thời Chiến quốc để bênh vực Khổng Nho. Trong thiên Đằng Văn Công Hạ, Mạnh Tử viết rằng: “Vua Thánh không ra đời nữa, chư hầu hoành hành, kẻ trí thức nói ngang. Lời nói của Dương Chu, Mặc Địch tràn lan khắp thiên hạ. Người trong thiên hạ không noi theo họ Dương thì cũng noi theo họ Mặc”.
Tuy nhiên, cũng vì chuyện có rất nhiều cao nhân, ẩn sĩ chê Khổng Tử nên Mạnh Tử đã sửa nhiều khuyết điểm cho Khổng Học. Mạnh Tử đã đề ra thuyết Tâm Linh; nguyên tắc nổi tiếng của Mạnh Tử là “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, đường lối lấy dân làm gốc là do Mạnh Tử đề xướng.
Trong thời Chiến Quốc là thời nở rộ của học thuật Trung Quốc gọi là “Bách gia chư tử” nào là Đạo gia, Danh gia, Pháp gia, Âm Dương gia, Tung hoành gia, Tạp gia… các học phái này luôn luôn biện luận, đối kháng lẫn nhau. Trong giai đoạn này có các nhà biện luận nổi tiếng như Huệ Thi, Công Tôn Long… đặc biệt nhất là Trang Tử (369-286 TCN); Trang Tử chịu ảnh hưởng nhiều bởi Lão Tử vì thế học thuyết của ông được xếp vào phái Đạo gia.
Trang Tử viết Nam Hoa Kinh, cuốn sách ghi lại những cuộc nghị luận giữa Trang Tử và Huệ Thi. Theo LSTHPĐ-NĐT thì trong thiên Tề Vật Luận Trang Tử đã chống lại hai phái Nho và Mặc, ông viết rằng: “Đạo giấu ở đâu mà có chân lý, chân ngụy? Lời nói giấu ở đâu mà có phải trái? Đạo đi về đâu mất mà không còn, lời nói còn ở đâu mà không thể được? Đạo ẩn ở chỗ nên nhỏ, lời nói ẩn ở chỗ ngọn ngành. Bởi thế mà lý phải trái của Nho, Mặc, lấy làm phải điều kẻ kia cho là trái và cho làm trái điều kẻ kia cho là phải”.
Cũng trong thời Chiến quốc, chúng ta còn thấy học phái Pháp gia đã kịch liệt chỉ trích Khổng Nho; chẳng hạn như Công Tôn Ưởng - Thương Quân (khoảng 390-338 TCN) đã viết trong Canh pháp rằng: “Những thế hệ trước không cùng một lý thuyết, làm sao phải khuôn khổ theo cổ nhân? Những vua trước không nối theo nhau, tại sao phải bắt chước nghi lễ của họ.
Trong sách Luận Ngữ bản dịch của Nguyễn Hiến Lê ở các trang 170, 171 đã ghi rất kỹ về cung cách giữ lễ nhà Chu của Khổng Tử. Ở đây chúng ta hãy đọc một đoạn mô tả như sau: “Khi vô cửa lớn của triều đình, ông khom khom như cửa thấp quá. Ông không đứng ở giữa cửa, khi đi không dẫm lên ngạch cửa. Đi ngang qua (ngai trống) ông biến sắc, chân run run, nói như chẳng ra lời. Khi ông vén áo lên thềm, ông khom khom, nín hơi như khó thở. Khi lui xuống một bực, sắc mặt ông hòa hoãn vui vẻ. Xuống đến bậc cuối, ông đi mau, hai cánh tay đưa thẳng như cánh chim. Trở về chỗ cũ thì ông lại cung kính, vẻ như không yên tâm”.
Đọc qua đoạn này, chúng ta dễ liên tưởng đến một màn hài kịch do Khổng Tử “tự biên tự diễn”. Những đạo diễn, diễn viên người Hoa bây giờ như Trương Nghệ Mưu, Châu Nhuận Phát… so với thầy Khổng chỉ đáng xách dép cho thầy.
Vào cuối thời Chiến quốc còn có mấy nhà tư tưởng nổi tiếng là Tuân Tử (khoảng 313-238 TCN) và Hàn Phi Tử (khoảng 280-233 TCN). Các học sĩ này đếu cho rằng đường lối của Khổng Nho cổ hủ, thiếu thực tế.
Sách Trung Quốc Triết Học Sử của Hồ Thích đã đặt cả một tiểu mục về quan điểm của Tuân Tử là nên “Bắt chước các vua sau”. Hồ Thích trích dẫn một đoạn thiên Phi Tướng của Tuân Tử viết rằng: “Thánh vương có hàng trăm người, ta phải theo ai? Đáp: văn vật lâu đời nên tiêu mất, chức Hữu tư giữ phép, theo lễ thái quá lâu ngày cũng mất. Cho nên nói: muốn thấy vết tích của thánh nhân ắt phải căn cứ vào cái gì rõ ràng tức là các vua sau vậy… Bỏ các vua sau mà chỉ nói đến những việc thuộc về thượng cổ, cũng ví như bỏ vua của mình để thờ vua của người khác vậy”.
Ghi chép tóm lược một số các sự kiện xảy ra trong thời Xuân Thu và thời Chiến quốc là thời Khổng Tử và thời của lớp đệ tử đầu tiên của ông, chúng ta thấy một số điểm như sau:
Thứ nhất là Khổng Tử hoàn toàn thất bại trong tham vọng phục hồi chế độ Tây Chu mà ông diễn giải là nhắm tới mục đích Bình thiên hạ.
Thứ hai là việc giáo dục nhằm đào tạo những nguời tài để ra làm quan giúp nước thì cũng thất bại, trong đám môn đệ được nói là có tới bảy mươi hai người đạt đến trình độ làm Người Hiền thì chỉ có ít người ra làm quan như Nhiễm Cầu, Tử Lộ, Tử Hoa, Nguyên Tư. Ngay bản thân của Khổng Tử cũng chỉ được vua Lỗ dùng trong một thời gian ngắn với chức Á Tướng Quốc (Phó Thủ Tướng).
Thứ Ba là Khổng Nho ngay từ cội rễ đã có 3 khuyết điểm là kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giai cấp, kỳ thị nam nữ. Chính vì các khuyết điểm này đã di hại cho đại chúng Trung Quốc vì họ đã bị dìm trong nhiều hủ tục; các quan niệm sai lầm ấy trở thành một tập quán ăn sâu trong sinh hoạt của dân chúng. Từ các khuyết điểm này đã khiến xã hội Trung Quốc khó có thể gia nhập vào sinh hoạt tiến bộ chung của toàn thể nhân loại.
Tác hại của Khổng Nho cho tới bây giờ ở Trung Quốc vẫn đang là những vấn đề rắc rối, nan giải về các mặt chủng tộc, giai cấp và xã hội.
(còn tiếp)
Ngô Đình Vận
No comments:
Post a Comment