HAI PHE CỘNG ĐẢNG “XÉ” BẦU BAO NHAU
Trần Nguyên Thao
Nhịp độ tranh ăn khốc liệt, chưa đến nỗi “huyết chiến”, nhưng “bắt bớ tù đầy” dữ dội đang diễn ra trước đại hội Cộng đảng tháng 10 . Tình trạng “Nam liềm, Bắc búa” đang hiển hiện tại Ba Đình. Hàng loạt các cuộc bắt bớ “chặt vây cánh” nhau vẫn tiếp tục ở mức độ chóng mặt. Phía ông Sang đánh thẳng vào “hầu bao” phe cha con Nguyễn tấn Dũng. Chuyện này vẫn đang là đề tài hấp dẫn, bàn tán trong dân gian, trong đó có trang mạng Quan Làm Báo từng cung cấp những thông tin cực kỳ “nhạy cảm” về ông Dũng cùng bầy tôi với độ chính xác chưa từng có. Bàn dân thiên hạ đi hết từ ngạc nhiên đến kinh hãi. Chỉ một thời gian rất ngắn, trang mạng này đã kéo 20 triệu lượt người đọc. Trong tình huống này, ông Dũng đang ra sức chứng minh “vô tội”, nên đành “bỏ mặc” một số tay chân để “nguyên soái” mong bảo toàn chiếc ghế Thủ Tướng.
Tội danh dành cho các “con dê tế thần” thuộc phe ông Dũng lúc đầu chỉ liên quan đến kinh tế, nhưng đang có khuynh hướng đổi sang các tội danh nghiêm trọng hơn về an ninh, chính trị.
Báo chí thiên về phía ông Sang thì căn cứ vào tình trạng tham nhũng và kinh tế suy sụp, hài tội ông Dũng lớn lao vô kể : Từ vụ Vinashin đến vụ Vinalines, quản lý lỏng lẻo ngành điện, phá sản hàng loạt tập đoàn quốc doanh, lỗ to ở khu công nghiệp dầu Dung Quất. Ông Dũng được gán cho danh hiệu “thủ tướng phá của”, và đòi ông Dũng phải chịu trách nhiệm cho các vụ tham ô lãng phí.
Dư luận đang bàn tán về lời một quan chức cao cấp trong tổng công ty Điện Lực VN (EVN) “nợ của EVN xấu hơn Vinashin, có thể là hàng trăm nghìn tỷ đồng”.
Cuối năm 2010, lúc nợ của Vinashin chạm mốc 80 nghìn tỷ thì nợ của EVN đã chạm mốc 240 nghìn tỷ, gấp ba lần Vinashin. Báo Tuổi Trẻ cũng tường thuật EVN lỗ 8,4 nghìn tỷ đồng, gấp 12 lần báo cáo của chính tập đoàn này.
Nhẹ nhất thì người ta cũng có thể nói rằng ông Dũng là người được hưởng lợi gián tiếp từ một mạng lưới lớn làm ăn không minh bạch, trong đó ông và cô con gái Nguyễn thanh Phượng được chia phần “rất xộp”. Nhưng xưa nay, Cộng đảng dường như chưa có tiền lệ đụng chạm đến các tay chóp bu trong đảng. Hai bên dù sát phạt nhau, nhưng họ cũng ngầm “phát ra các tín hiệu” sẵn sàng hưu chiến ở một làn ranh nào đó. Tóm lại, họ là một phường, chia thành các nhóm tranh nhau hưởng lợi như kiểu “đồng tiền hai mặt”. Và như các bài lần trước đã trình bầy, hàng ngũ chóp bu trong Cộng đảng đều muốn quyền lực và tiền tài, không ai muốn làm bất ổn hệ thống vì nó sẽ làm lung lay vị trí của chính họ.
Nhìn qúa trình hại dân, bán nước của Cộng đảng VN, có tới 13 hội nghị trung ương từng diễn ra đấu đá, thanh trừng dữ dội, nhưng chưa có lần nào chức vụ Thủ Tướng bị truất phế. Nếu lần này sẽ xẩy ra, thì đây là lần đầu và chính trường phải có những biến chuyển hết sức gay go, có khi là một cuộc huyết chiến (?). Hôm 11 tháng 9, BBC loan một cuộc trò truyện với Tiến sỹ Vũ quang Việt, chuyên gia Liên Hệp Quốc, nói là “Việt Nam chỉ có thể chấn chỉnh nền kinh tế hiện nay nếu người đứng đầu chính quyền rời chức vụ. Đồng thời phải thay đổi luật lệ”. Có thể đây là thời điểm tốt để BBC loan những ý kiến tương tự, vì tình trạng kinh tế VN đang suy sụp khiến dân chúng quá lầm than. Và các doanh nhân Âu Châu đang tìm đường rời VN để đầu tư ở Nam Dương và Miến Điện. Việc xăng dầu, dịch vụ y tế, điện tăng giá trong những tháng gần đây được đánh giá là tín hiệu đáng quan ngại cho sự quay trở lại của lạm phát.
Nhóm lợi ích chống ông Dũng gồm có ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước liên kết với ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, được sự tiếp sức của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang và của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Có tin Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương Ngô Văn Dụ cũng đứng về phía nhóm này.
Khi “bố già” Nguyễn đức Kiên bị phía ông Sang hạ ngục, thị trường chứng khoán VN mất toi 5 tỉ USD chỉ trong một ngày. Sau gần 4 tuần, nhiều vụ bắt bớ vẫn liên tục diễn ra, chứng khoán VN tiếp tục xuống đến mức thấp nhất (-9%). Ngay ngày đầu (Aug 20), biến cố “bố già” Kiên đã làm dân chúng xôn xao thi nhau rút tiền khỏi ngân hàng Á Châu (ACB). Vụ bắt “bố già” Kiên hay Tổng giám đốc ngân hàng Á Châu (ACB) Lý Xuân Hải được dư luận ví như là "vịt nuôi béo rồi đem thịt".
Dương chí Dũng, người làm sập tổng công ty Vinalines, được phía ông Dũng cho đi trốn rất ly kỳ bên Cao Mên hôm 17 tháng 5, bị tình báo phía Đảng bí mật “tóm được” đưa về Việt Nam hôm mùng 5 tháng 9 bằng trực thăng đặc biệt của bộ Quốc Phòng (?).
Tin này loan ra làm cho nhiều người phía ông Dũng mất ăn, mất ngủ. Cùng ngày, Chủ nhiệm văn phòng chính phủ, Vũ đức Đam, nói là Thủ Tướng “chỉ đạo rất sát sao vụ việc này ngay từ đầu, theo đúng quy định của pháp luật." (BBC). Sáu ngày sau, báo Tuổi Trẻ loan tin là Thủ Tướng Dũng không biết ngọn ngành gì về chuyện tình báo bên quân đội đã “vồ” được ông Dương chí Dũng. Còn vỉa hè dân đen thì đồn rùm trời là Dương chí Dũng đang được an toàn ở đảo Hải Nam, bên Tầu, nơi nhiều quan chức Cộng đảng có các biệt thự sang trọng. Trầm Bê, một tay khác cũng trong cánh làm ăn với phía cô con gái ông Thủ Tướng thì được dư luận nói là hắn đã nói với phía ông Sang “xin được bị bắt” để khỏi bị chính phe mình thủ tiêu nhằm phi tang, như trường hợp ông Dương chí Dũng.
Phía ông Dũng cũng “ra đòn” dùng an ninh Bộ Công an bắt một loạt các nhân vật thân cận với Chủ tịch nước nhân khi ông này đi họp APEC ở nước ngoài. Có tin đồn, an ninh phía ông Dũng đang săn lùng ráo riết để “thộp cổ” những tay chủ trương trang mạng Quan Lam Báo. Hôm 12 tháng 9, ông Dũng chỉ thị cán bộ các cấp không được đọc các bài đăng trên Quan Làm Báo, Dân Làm Báo. Đồng thời chỉ đạo điều tra, xử lý các trang mạng đăng tải "thông tin bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước". Các trang mạng “phản động” khoe là số độc giả truy cập tăng lên gấp bội, nửa triệu người vào đọc ngay sau khi bị cấm. Ông Dũng và bầy đàn quả là ngố nặng, hết khôn dồn đến dại; tự nhiên đi làm “vinh danh” không công cho “kẻ bôi đen mình”.
Trong biến cố hai phe choảng nhau, báo chí lề phải được cả hai phía huy động tham chiến, liên tục đăng tin phục vụ phe nhóm làm cho dân chúng càng thấy rõ nội bộ đảng tranh ăn đến tàn ngược với nhau.
Nhóm tài phiệt của ông Nguyễn Tấn Dũng đang bị hy sinh một số tay em, nhưng hàng ngũ vẫn còn khá hùng hậu : Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải Đinh la Thăng, Bộ Trưởng Kế Hoạch Đầu Tư Phạm quang Vinh, Bộ Trưởng Tài Chánh Vương đình Huệ, Thứ Trưởng Công An Nguyễn văn Hưởng, Thứ Trương Xây Dựng Nguyễn thanh Nghị (con trai ông Dũng), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, với Tổng thanh tra Tài chính Quốc gia Lê Đức Thúy, có bộ hạ tin cẩn là Đại tá Công an Lương Ngọc Anh từng đưa về cho nhóm lợi ích này 20 triệu đô la hối lộ từ cơ quan in tiền Securency của nước Úc . . . cùng với một lô “bố già” Nguyễn dức Kiên, Hồ hùng Anh, Lê hùng Dũng, Trầm Bê. . . nằn dưới tay con gái ông Dũng, Nguyễn thanh Phượng, túi bạc lúc nào cũng “dầy cộm” đang là cái mốc để phía ông Sang tận tình “chiếu cố.”
Giáo sư Carl Thayer từ Học Viện Quốc phòng Úc, chuyên nghiên cứu về VN, phát biểu với BBC : “Tôi nghĩ rằng sự ủng hộ rộng rãi của khối doanh nghiệp nhà nước cho ông thủ tướng là rất mạnh và chúng ta chưa thấy lực lượng này được huy động". Và rằng :“Đối phương sẽ tự hại mình khi đánh vào thủ tướng vì nó sẽ gây ra bất ổn và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ lo ngại trong khi họ chính là những con ngỗng đẻ trứng vàng cho Việt Nam.”
Về điểm này Giáo sư Carl Thayer cho rằng “Việt Nam muốn có sự cân bằng, họ muốn ông Dũng lùi bước và chia sẻ bớt quyền lực cho những người nằm ngoài mạng lưới của ông và điều này sẽ khiến ông Sang và những người khác hài lòng, nhưng những người dưới trướng ông Sang có thể có những mục tiêu khác.”
Thời gian hai phe đang đấu đá là lúc nền kinh tế, tài chánh dù đang suy sụp trầm trọng cũng được gác sang một bên. Nợ xấu có thể làm sập hệ thống ngân hàng Việt Nam, đang cần từ 250 đến 300 ngàn tỷ đồng (tương đương 12 – 14 tỷ Đôla) để giải cứu. Phía ngân hàng quân đội đề nghị lập quỹ “cứu nợ xấu” bằng cách mượn vốn từ IMF. Một tiếng nói khác mạnh mẽ hơn, Tổng Thống Nam Dương Susilo Bambang Yudhoyono lên tiếng được BBC trích thuật cuộc hop báo hôm 11 tháng 9, sau hội nghị Apec, nói rằng : “nước ông và các thành viên Asean sẽ sẵn sàng giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng tài chánh ngân hàng mà không cần tới cứu trợ của IMF.”
Cả hai đề nghị trên đều bị chính ông Dũng lên tiếng bác bỏ (BBC, Sept 13)
Chả là phe quân đội theo tin tức thì nằm dưới tầm ảnh hưởng phía ông Sang. Còn đề nghị của khối Asean là kết quả hội nghị Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương APEC 2012 (9/9), mà ông Trương tấn Sang, đại diện VN tham dự hội nghị này.
Cho dù chuyện nợ xấu ngân hàng sẽ đe dọa nền tài chánh Việt Nam, nhưng ông Dũng cũng sẽ kiếm ăn rất lớn khi đứng ra giải quyết nợ xấu, nên không cho phía ông Sang “nhảy vô kiếm ăn” trong vụ lớn lao này.
Trần Nguyên Thao
September 17, 2012
No comments:
Post a Comment