Việt Nam quê hương tôi nay không còn tiếng bom đạn nội thù. Kẻ thù của dân tộc là một đảng cướp do lừa lọc, gian manh đang độc quyền thống trị trên toàn dải non sông. Vì là đảng cướp có quyền mà không còn lương tri con người, nên bạo quyền đó đang gây cho dân tộc tôi đa phần chịu cảnh sống bóc lột, đè nén trong uất hận. Dù tiếng súng không còn, nhưng quê hương tôi vẫn không có hòa bình.
Hàng hàng lớp lớp bà con, kể cả các tôn giáo đang vùng vẫy trong tuyệt vọng đòi được có một đời đáng sống hơn, tự do ngôn luận và tôn giáo (*), tài sản dược bảo vệ hơn. Cuộc đấu tranh chưa thể kết hợp vì đảng cướp này ra sức áp dụng lối cai trị hiểm độc, lọc lừa, khủng bố, tách mỏng ra để mua chuộc, tiêu diệt những người có đôi chút hiểu biết. Đa phần dân chúng bị bạo quyền cung cấp thông tin bóp méo, bịp bượm trên 700 cơ quan truyền thông do đảng nắm giữ.
Nhìn về dân tộc Việt đang bị bạo quyền xô đẩy từng mảng một vào cảnh mất hẳn quyền sống của con người. Dưới con mắt của bạo quyền cộng sản, cái gì của dân là của đảng, kể cả mạng sống con người. Muốn chiếm đoạt thì chúng bầy ra muôn vàn cách như chúng từng làm hàng mấy chục năm nay.
Ở hải ngoại chẳng thể làm gì hơn là tích cực yểm trợ cho người trong nước vùng lên. Yểm trợ cũng có nhiều việc, cũng đòi hỏi phải kết hợp mới tạo ra sức mạnh. Văn hóa, văn nghệ, truyền thông là những việc quan trọng mà ở hải ngoại tuy có bị đảng cướp trong nước với tay sang, tung tiền mua chuộc, nhưng “sân chơi” còn được luật pháp của nước sở tại bảo vệ.
Trong các hình thức đấu tranh, đối với tôi âm nhạc có sức mạnh đi vào quần chúng, thôi thúc lòng người. Ngay cả nhạc tình cảm nếu được viết hướng đến đòi công bình, tư do và quyền sống con người vẫn có sức lôi cuốn mãnh liệt. Mỗi khi nghe những ca sĩ như Nguyệt Ánh, Việt Dũng, Vũ Anh hay các ban hợp xướng Ngàn Khơi, Tù Ca Xuân Điềm. . . hát loại nhạc vừa nói lòng tôi rạo rực và dư âm của bản nhạc đó còn đọng lại trong tâm hồn tôi khá lâu. Ở hải ngoại vẫn còn nhiều người yêu loại nhạc hùng ca, tranh đấu.
Trên Youtube hiện đang phát bản Quốc Tế Việt Ca thường trực, lời thơ của nhà báo Ngô đình Vận, do Hoàng trọng Thụy viết nhạc và làm hòa âm được hai danh ca Kim Tước và Vũ Anh trình bầy. Bản này tôi tin rằng gây nhức nhối không ít đối với bọn làm tay sai cho bạo quyền Hà Nội và cho chính cái đảng cướp đang nắm quyền tại Việt Nam. Vào những thập niên đầu của phong trào cộng sản quốc tế, công sản cũng có bản “quốc tế ca” nhưng lời ca đầy sắt máu, xúi dục con người giết chóc nhau để cộng sản chụp cơ hộ nắm quyền.
Ngược lại, bản Quốc Tế Việt Ca của Ngô đình Vận mang nội dung nhân bản và đầy tính xây dựng. Mời bạn đọc vào Youtube/ Quốc Tế Việt Ca, bạn sẽ thích thú với nhạc bản, hình ảnh sống động cùng với lối trình bầy điêu luyện của hai giọng ca Kim Tước & Vũ Anh. Bản Quốc Tế Việt Ca của Ngô đình Vận có đầy đủ mọi yếu tố cần thiết để được các nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền khắp nơi và nhất là ngay trên quê hương ta dùng làm lời kêu gọi toàn dân kết hợp trong sứ mệnh đưa lại tự do, dân chủ, nhân quyền thực sự cho Dân Tộc Việt.
Trên Youtube chúng ta cũng tìm được nhiều Ca khúc khác trong loại “Nhạc Tình xa Xứ” thơ Ngô Đình Vận do Lại Minh Thuận phổ nhạc; ở một số ca khúc còn mang âm hưởng dân ca Việt nam như Quan Họ, Hát Chèo… đồng thời thấy rõ những ghi nhớ gần gũi, quen thuộc với nếp sống của người dân hiền hòa sống trong một xứ nông nghiệp.
Những tưởng nhớ về quê hương của đa số những người xa xứ là những mảnh đời, những cuộc tình bên cạnh con sông, bóng dừa, ruộng lúa. Trời, đất và người như gắn bó lấy nhau, cùng với những sinh vật như con cá, chuồn chuồn, bươm bướm, chích choè… bầu, bí, húng, ngò cũng được đưa vào ca khúc.
Những hình ảnh mộc mạc này gần như đối chọi với lời của một số ca khúc thời trước cách đây trên một nửa thế kỷ còn mang nặng phong cách Đường Thi với ngôn từ đầy “Phong, Hoa, Tuyết, Nguyệt…”. Đây là thời kỳ còn bị ảnh hưởng quá nhiều bởi “Hán Học Từ Chương” mà một số nghệ sĩ của Ta gần như xa lìa đời sống đích thực của dân Việt.
Mặc khác, trong một số ca khúc đã ghi nhớ cả một giai đoạn lịch sử mà đất nước Việt Nam bi rơi vào khốn khó bởi Tai Trời, Họa Người khiến cho nhiều triệu người phải bỏ nước ra đi mà chỉ có một phần ba đến được các nước tự do còn hai phần ba bị thiệt mạng trên biển cả và đường bộ.
Đồng bằng Cửu Long không còn êm ả, thanh bình nữa. Biết bao nhiêu người dân đã phải rời bỏ ruộng vườn để đi kiếm sống ở những nơi xa. Trong đó có nhiều thiếu nữ đã phải liều thân đi lấy chồng xứ người mong có cơ may để cứu giúp gia đình nhưng phần lớn bị lường gạt bởi những tổ chức buôn người rồi bị rơi vào những thảm kịch xã hội nơi xứ lạ.
Liên quan tới sinh hoạt sáng tác của người Việt ở Hải Ngoại, cuối năm 2010, Chương Trình Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt viết tắt là VanHoaNBLV trên Youtube đã thực hiện một CD "Nhạc Tình Xa Xứ” với tiếng hát Ngọc Thủy gồm 9 ca khúc đã được Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ (ĐT: 703 525-4538, E-mail: canhnam@dc.net) phát hành vào Tháng Giêng năm 2011.
Trần Nguyên Thao
Cựu Phóng Viên
Nhật báo Chính Luận tại Nam Việt Nam trước 1975
No comments:
Post a Comment