Tuesday, January 25, 2011

Nguyễn Ngọc Bích - Từ Áo Qua Ý Về Pháp Cách Đây Gần Nửa Thế-Kỷ

Đầu hè năm 1962, trên đường đi Pháp rồi sang Đức để trau dồi vốn liếng tiếng Đức của tôi (học ở Mỹ), tôi đã ghé Luân-đôn thăm anh tôi, Nguyễn Ngọc Phách, lúc bấy giờ đang làm việc ở Anh cho Đài BBC. Kinh-nghiệm những ngày tôi ở Anh cũng rất đáng kể lại nhưng chắc phải để dịp khác. Như chuyện tôi rất ngỡ ngàng khi khám-phá ra rằng “the Queen’s English” rất khác tiếng Anh ở Mỹ, thậm chí có thể làm cho ta có cảm-tưởng rơi vào một nước nói tiếng khác; rồi cơm Tàu ở Anh cũng rất khác cơm Tàu ở Chinatown New York v.v.

Chỉ cần biết là trong thời-gian đi làm cho Ban Việt-ngữ của Đài BBC thì anh tôi cũng bỏ thời giờ ra lấy thêm một số lớp ở London University về văn-học Anh (nhất là Shakespeare) và tiếng Ý (Tại sao tiếng Ý? Có lẽ tại vì Shakespeare dùng khá nhiều điển xuất phát từ nước này, như chuyện Romeo and Juliet, chẳng hạn). Chính vì thế mà chúng tôi hẹn nhau, cuối hè, khi tôi học xong lớp tiếng Đức của tôi ở Áo, anh tôi sẽ bay sang để đi chu-du một chuyến với tôi, từ Áo sang Ý rồi về Pháp trước khi tôi đáp máy bay về VN trên đường đi Nhật. Những ngày hoà-bình đó, giờ nghĩ lại tưởng như là “ngày Giời, tháng Bụt,” khung trời mở cửa thênh thang trước mặt ta. Dù như nếu ta nhớ lại lịch-sử thì năm 62 cũng là năm của cuộc “khủng-hoảng hoả-tiễn ở Cuba” (“the Cuban missile crisis”) sém đưa Nga và Mỹ vào một trận thư hùng của Thế-chiến III, suýt đưa nhân-loại vào lò vũ-khí hạt nhân theo một kịch-bản mà người ta gọi là “một kịch-bản thế-giới tương-tàn.”

Song dù ngành học của tôi là Chính-trị-học, tôi vẫn chưa hiểu gì nhiều về những thứ chính-trị ở thượng-tầng khí-quyển đó. Có thể nói là chả hiểu gì cả, “ignorance is bliss” như người ta thường nói trong một câu ngạn-ngữ tiếng Anh.

Thành hai anh em chúng tôi cứ thong thả dong chơi. Sang tới Vienna, tôi đưa anh tôi đi một vòng rồi đi tìm chỗ ăn. Bởi anh tôi thích ăn cơm ta (mà chúng tôi biết chắc là chưa có ở Vienna hồi bấy giờ--chả bù với ngày nay thì lại có những tiệm thật ngon như của con anh Nguyễn Văn Trần), chúng tôi đành phải nghĩ đến tìm tiệm Tàu. Tưởng một thành-phố như Vienna thì cơm Tàu kiếm thế nào chẳng ra. Chẳng dè đi hết buổi, từ sáng đến tối, không đâu thấy có tiệm nào như vậy cả. Đó là một cái lạ đầu tiên. Cuối cùng thì cũng nhờ hỏi quanh hỏi quất, chúng tôi tìm ra được một tiệm khuất trong một ngõ hẻm ở ngoại-ô. Vào đã thấy hơi là lạ bởi tiệm vắng tanh. Nhưng đói quá rồi, đành phải gọi cơm đi thôi. Cơm đem ra thì không ghê khiếp nhưng cũng nuốt được. Và vì cả tiệm chẳng có ma nào ngoài hai anh em chúng tôi nên một lúc, chúng tôi cũng gợi chuyện được với ông chủ. Thì ra ông ta lại là Tàu Hải-phòng lưu lạc sang đến tận Vienna, và một lúc sau chúng tôi lại còn chứng-kiến được một chuyện lạ hơn nữa: đó là ông đầu bếp không phải là Tàu mà lại là một ông Tây đen Phi-châu. Chả trách!

Bởi ngày rộng tháng dài nên chúng tôi cứ tà tà, hôm nào nổi hứng đi đâu thì đi đó. Trước khi rời Vienna, chúng tôi kiểm-soát lại tiền thì thấy khá thiếu hụt. Sợ không đủ để đi một vòng nước Ý trước khi về Pháp, ông anh tôi vội đánh điện về Luân-đôn cho một người bạn (anh Tôn-thất Kỳ) nhờ ứng tiền ra cho vay, gửi sang gấp để chúng tôi còn đi hai nước nữa. Nhưng đợi mãi, gần một tuần mà vẫn chẳng thấy tiền đâu trong khi tiền tôi mang theo đã bắt đầu cạn, tiền ông anh đem sang cũng không rủng rỉnh gì cho lắm.

Salzburg

Cuối cùng, chúng tôi đành phải quyết-định lên đường thôi. Để hà tiện tiền khách-sạn, chúng tôi tính cứ mua vé xe lửa lên đó ngủ tới chặng sau, tới nơi thăm thú rồi lại lấy vé đi tiếp. Bằng cách này, trên đường sang Ý, chúng tôi ghé Salzburg, quê của Mozart, và lập-tức ông anh tôi mê tít cái thành phố nên thơ này. Có lúc ngồi gốc cây hóng mát, chân nhúng xuống nước trong như lọc của dòng sông Isar, ông anh tôi đã nổi hứng phán: “Về già, anh muốn về chết ở đây.” Ông anh tôi không nói ra nhưng tôi ngờ, ông chỉ có ý định đó là vì mấy cô bé Salzburg, mặt lúc nào cũng ửng hồng như con gái Đà-lạt, lại có thói mặc một cái yếm màu mà tiếng Đức (ở Áo) gọi là “Dirndl”—xinh ơi là xinh. Cái áo có yếm này được người ta xem là đặc-thù của các cô vùng này đến nỗi người ta gọi luôn các cô cũng là “Dirndl.” Thế có nghĩa là Dirndl vừa là cái áo, vừa là cô con gái mặc áo loại yếm vuông đó. Mà phải nói thật, không chỉ có ông anh tôi mê các Dirndl, thả ra tôi cũng chẳng chê!

Có thể nói thời-gian ở Salzburg là lúc nào mình cũng cảm thấy như bay bổng, gần như đang sống ở Đào-nguyên, với nhạc Mozart văng vẳng bên tai, đan vào với tiếng suối róc rách (“Côn-sơn có suối nước trong / Nước nghe róc rách như cung đàn cầm…”—thơ Nguyễn Trãi), trong khi nhìn chung quanh thì chỉ thấy các nàng Dirndl như sửa soạn sắp đến “dâng” cho mấy chàng Lưu Nguyễn tân-thời này “hai trái đào tiên.”

Bắc-Ý

Chẳng thế mà cực chẳng đã, chúng tôi mới rời bỏ được Thiên-thai để sang vùng Tyrol đầy đàn hát và múa vũ trước khi đi vào nước Ý. Tới Ý, chúng tôi trực-chỉ đi Bologna đến nhà người bạn mà tôi đã gặp và học chung với ở Munich. Anh ta và gia-đình bố mẹ đón tiếp chúng tôi thật niềm nở, coi gần như một thứ thượng-khách nên chúng tôi được ăn ở khá tươm tất trong mấy ngày. Thành phố Bologna không đẹp nhưng khá cổ kính, đặc-biệt đi ở những đường phố chính đều có hàng hiên rộng gạch đỏ, có mái che nên không bị nắng mưa, đi lại mua bán rất mát mẻ dễ chịu. Và hiển-nhiên đây cũng là quê hương của món xúc-xích Ý nổi tiếng mang tên… Bologna!

Mấy ngày ở Bologna, chúng tôi được anh bạn chiều chuộng đủ điều. Giới-thiệu với các bạn bè, rủ đi chơi các nơi, thăm thú các thành phố lân cận. Mới biết người Ý tính lạc-quan, thích vui đùa, chỉ phải đối với người Ý trẻ, nhiều người còn nói được tiếng La-tinh (một hình-thức cổ của tiếng Ý) một cách khá tự-nhiên. Nên họ đổi từ tiếng Ý hiện-đại sang tiếng La-tinh một cách khá dễ dàng, họ đùa nghịch, kể truyện cười, chọc ghẹo nhau khi bằng tiếng Ý khi bằng tiếng La-tinh… làm cho anh em tôi đôi khi ngớ ra dù rằng hồi nhỏ mình cũng có học tiếng La-tinh và tôi còn nhất lớp nữa.

Không chỉ đưa đi xem Bologna, anh bạn còn hướng-dẫn chúng tôi sang những thành phố gần đó như Siena, Ravena (nổi tiếng ice cream ngon) hay Pisa (với cái tháp tròn nghiêng hơn năm trăm năm mà vẫn không đổ). Chúng tôi còn lưu lạc sang tận cả Venezia (= Venice), thành phố của các gondola, các thuyền cong mũi do các tay chèo đưa đi thăm thú các nơi qua các kinh rạch, tựa như ngày nay ta đi thăm các chợ sông ở Bangkok bằng taxi nước vậy. Đêm về, các tay chèo gondola này nhiều khi còn nổi hứng hát vang lên những điệu dân-ca nổi tiếng như “Santa Lucia” hay “Funiculi Funicula.” (Giờ đây, Bangkok có nhiều đường phố lớn đắp đè lên các kinh lạch xưa nên cuộc sống trên các sông rạch đã bị thu hẹp đi nhiều so với trước nhưng vẫn còn có nơi ta có thể mường tượng được ra cuộc sống trên sông hồ ngày xưa, nên đã có lúc Bangkok được gọi là Venice of the Orient. Thật ra, Kẻ Chợ ngày xưa, nghĩa là Hà-nội vào thế-kỷ thứ 17-18 cũng có hiện-tượng này, con người ta đi lại trên sông hay các kinh rạch tự-nhiên, thoải mái như ngày nay người ta sống trên một số kinh rạch ở đồng bằng sông Cửu Long vậy.)

Nhưng sau khi đi thăm Venice với cái piazza (quảng-trường chữ nhật) San Marco nổi tiếng của nó thì anh em chúng tôi cạn hẳn tiền, mỗi người chỉ còn vài nghìn lira, chắc chắn không đủ để đi ngủ khách-sạn (dù là “albergo della gioventù,” quán trọ rẻ tiền dành cho tuổi trẻ, đi chăng nữa). Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn còn tham, còn cố đi thăm Firenze (tức Florence) mà cả thành phố có thể xem như một bảo-tàng-viện sống về mỹ-thuật thời Phục-hưng (thế-kỷ XIV-XV ở Ý). Dante (1265-1321, đọc “Đan-tê” chứ không phải “Đăng-tơ” như trong tiếng Pháp), nhà thơ lớn nhất của Ý, tác-giả La Divina Comedia (“Hí-khúc thần tiên” hay còn gọi là “Thần-khúc”), sống ở đây. Và hiển-nhiên, đến Fi-ren-xê là cũng để trầm mình vào mỹ-thuật, tranh tượng thời Phục-hưng với những tác-phẩm tuyệt trần đời của Brunelleschi (kiến-trúc-sư), Donatello (điêu-khắc-gia), Masaccio, Piero della Francesca, Botticelli (tranh “Venus nổi lên từ sóng nước”), Mantegna, Bellini (tất cả là hoạ-sĩ sơn dầu) trong sơ-kỳ bùng nổ của giai-đoạn này. Sang đỉnh-điểm thời Phục-hưng (1490-1520) thì ta lại còn có những nghệ-sĩ lớn hơn thế nữa, những đại-hoạ-gia như Leonardo da Vinci (tranh Mona Lisa) hay Raphael, những điêu-khắc-gia, hoạ-sĩ và kiến-trúc-sư như Michelangelo (tượng Pietà, tranh trên vòm Sistine Chapel), Bramante (kiến-trúc-sư) v.v.

Dù chúng tôi học hỏi được rất nhiều song bụng thì khá đói vì tiền không còn bao nhiêu, nhiều lúc chỉ dám mua bánh mì ăn trừ, ăn chay nghĩa là không có cái gì đi kèm cả. Hai anh em bèn nảy ý, đã đến mức này thì chỉ còn mỗi một cách là đi tìm việc độ nhật. Tức thì chúng tôi thấy một số người mặt mũi đen đuốc đang đứng bên đường sàng như sàng rác. Lân la hỏi thăm (những lúc này mới thấy lõm bõm tiếng Ý là quan-trọng, là chuyện sống còn), chúng tôi được biết là họ đãi rác để tìm kim-khí, bất cứ loại kim-khí gì (đồng, chì, sắt vụn v.v.). Hỏi: Chúng tôi làm được không? Tại sao không, họ trả lời. Nếu chúng mày làm thì sẽ được lãnh mấy trăm lira một giờ, nghĩa là một thứ lương rẻ mạt. Song rẻ thì rẻ, vẫn là tiền mà lúc bấy giờ chúng tôi cần hơn bao giờ hết, để sống qua ngày.

Chỉ buồn cười là cuối ngày, anh em tôi mỗi người được vài trăm lira, thấy khoái chí, nghĩ rằng mình đã có thể mua bánh mì ăn tối đó. Còn đang suy tính thì bỗng thấy có một xe cam-nhông chở hàng lớn đi qua, vội vẫy lại xin quá giang. Anh tài xế lái một mình cả ngày nên có lẽ cũng thấy buồn, bèn phanh kin kít lại để cho chúng tôi lên. Nhưng xe lớn nên khi đậu lại được thì cũng cách chúng tôi cả mấy trăm thước là ít. Hai anh em bèn cắm cổ chạy theo, sợ lâu quá người ta không chờ mình nữa. Hộc tốc đến nơi, leo được lên xe, cám ơn rối rít rồi thở hắt ra, hổn hển. Gặp một anh tài vui tính người miền Nam (nước Ý) nên cũng hơi khó nghe một chút song chúng tôi cũng bắt được chuyện. Tức thì anh kể đủ chuyện, nào chuyện vợ, chuyện con, chuyện Ý miền Bắc, Ý miền Nam kỳ-thị nhau như thế nào, rồi chuyện chính-trị v.v. Nghĩa là chuyến đi khá thích thú, anh còn dạy chúng tôi là “mấy thằng Ý miền Bắc, chúng khinh khi chúng tôi (Ý miền Nam), chúng gọi chúng tôi là heo là lợn (‘porci’) trong khi chúng cũng chẳng hơn gì, lũ chó!” Chúng tôi nghe tiếng được tiếng không song cũng tạm hiểu, cười hể hả với anh.

Chả mấy lúc xe đến Torino (Turin trong tiếng Anh, tiếng Pháp), quê hương của xe Fiat. Anh thả chúng tôi xuống. Bấy giờ khá đói, chúng tôi mới mò đi tìm chỗ ăn. Thấy có chỗ bán spaghetti khá rẻ, định xà lại song rờ vào túi mới thấy tiền làm ra ban chiều biến đâu mất hết. Thì ra nó trả bằng tiền đồng, lúc chạy theo xe không để ý, tiền xốc hết cả ra, chỉ còn có vài tờ giấy vụn. Thế là lại phải ăn chay, nghĩa là chỉ có bánh mì không. Được cái, bánh mì Ý thì cũng ngon không thua gì bánh mì baguette của Pháp nên cũng lót dạ được. Vả, cũng nhờ kinh-nghiệm đó mới biết được là ở Ý, người ta bán spaghetti hay các thứ thức ăn khác (pizza, lasagna, macaroni…) theo từng 100 gram một. Thấy người ta đề giá đó, người không quen sẽ ham đòi mua một đĩa chẳng hạn, họ sẽ cân đo và tính lên gấp 5 gấp 6: thì hoá ra một đĩa có thể là 500-600 gram và người bán cứ việc nhân lên với giá của 100 gram mà tính tiền. Nghĩa là ngu ngơ mà đụng vào là cháy tay!

Vì Torino chả có gì lắm để coi (mãi sau này tôi mới biết là ở đây có cái “shroud of Turin,” một cái áo mà theo truyền-thuyết Jesus đã mặc hồi sinh-thời nên giờ đây còn mang máng thấy hình ông in trên áo) nên chúng tôi lại tìm cách mò đi Milano (Milan trong tiếng Anh, tiếng Pháp). Đến nhà ga Milano, vừa bước từ trên xe lửa xuống, hai anh em chúng tôi thấy mình bị coi như một thứ xiếc. Không hiểu từ đâu, một đàn con gái khoảng 16-17 tuổi, cũng phải có đến 10-12 cô, làm một vòng đi quanh anh em chúng tôi, vừa đi vừa chỉ trỏ rồi cười nói vui vẻ. Chưa biết phải phản-ứng ra làm sao thì một cô trong đám hất hàm hỏi: “Cinese?” (“Ba Tàu hả?”) Đến khi chúng tôi lắc đầu trả lời: “Vietnamita” thì các cô ra vẻ thích thú, hỏi tiếp: “Thế các anh có muốn chúng tôi đưa đi coi tỉnh không?” Lạ quá! Thấy các cô đon đả thân thiện, chúng tôi chịu ngay. Thế là cả ngày hôm đó, chúng tôi được đi thăm Milano do một đàn con gái tíu tít dẫn đi, cô nào cũng đòi nói, đòi dạy, chỉ cái này, khoe cái kia. Thực ra, Milano cũng không có nhiều cái để coi nhưng kỷ-niệm hai anh nhà quê được một lô con gái Ý dẫn đi thăm thú thành phố phải kể là một kinh-nghiệm để đời, khó quên. (Giờ ngồi nghĩ lại, tôi vẫn không hiểu tại sao hồi đó, con người ta có thể hồn-nhiên như vậy được. Không những đây không phải là một bọn Gypsy nhằm lột tiền lột máy ảnh của mình, mà cũng không phải là người quen biết nữa. Hoàn-toàn ngẫu-hứng. Tôi cũng không rõ tại sao hôm đó, mấy cô này có thể bỏ được ra cả mấy tiếng đồng-hồ hướng-dẫn chúng tôi đi vòng quanh tỉnh.)

Đêm ở Milano, vì không có tiền nên chúng tôi phải ra công-viên ngủ. Tưởng mình nghèo khó mới phải ra công-viên ngủ, nào ngờ khi ra đến đó thì đã thấy nhiều ghế băng có người chiếm cứ rồi. Phải chật vật, hai anh em chúng tôi mới tìm được ra mỗi người một ghế. Đêm trăng sao thật sáng, lại ngủ trong gió hiu hiu thật tuyệt diệu. Thỉnh thoảng tỉnh dậy thì thấy mấy người đàn ông Ý ngồi nói chuyện với nhau rôm rả. Chúng tôi bèn hỏi: “Các ông không có nhà à?” “Bậy nào, chúng tôi đều có vợ có con có nhà có cửa cả.” “Thế tại sao các ông lại đi ngủ công-viên?” “Thế các anh không thấy là ngủ ngoài này mát thú à?” Khi chúng tôi công-nhận là có thế thật thì họ cười ha hả: “Ngủ thế này có thích hơn không? Nếu tỉnh dậy mà có chuyện gì hay, mình có thể gọi bạn mình dậy kể cho nó nghe. Chứ ở nhà mà nghe vợ con lải nhải thì còn gì là thích thú?”

Sau Milano, chúng tôi tìm đường đi về Pháp. Lại xin quá giang (autostop) đi về phía Bắc, lên núi Alpes. Đến Lugano, nơi có một cái hồ thật đẹp, là chúng tôi bắt đầu đi vào Thuỵ-sĩ, nghĩa là lên núi khá cao và trời bắt đầu lạnh nhiều, dù đây là mới chớm vào thu. Chúng tôi tranh thủ thời-gian để cố về Pháp cho mau nên ngày đêm xin autostop. Được cái may là có thể hai anh em tôi, nhỏ con, trông cũng khá hiền lành nên xin autostop ở mấy nước như Áo, Ý và Thuỵ-sĩ không đến nỗi khó lắm. Cũng có thể là hồi đó (1962) thế-giới hãy còn ở trong tuổi thơ ngây (“age of innocence”) nên chúng tôi vẫn còn được nhiều người thương, cho quá giang tương-đối dễ dàng.

Qua biên-giới

Nhưng tất cả những cái dễ dàng đó, khi đến gần biên-giới Pháp, bỗng biến mất. Để qua Pháp, chúng tôi phải đi qua một cái đường hầm rất dài xuyên qua núi. Tưởng mọi sự cũng được dễ dàng như mọi khi, chúng tôi cứ đứng bên này đường hầm làm dấu xin quá giang nhưng không ma nào dừng lại cả. Như vậy cả ngày mà không có kết-quả, anh em chúng tôi tự nhủ: Hay là mình cứ lên đường rồi nếu gặp may thì sẽ có người cho quá giang, chứ đứng một chỗ mất gần hết ngày mà chẳng gặp ai cả thì không biết đợi đến bao giờ. Nói là làm vì trời đã xẩm tối và nhiệt-độ đã xuống khá thấp. Thế là chúng tôi lên đường.

Đi cả mấy tiếng đồng-hồ mới hết cái đường hầm (tôi không còn nhớ tên nữa), vừa ra thì gặp gác biên-giới của Pháp hỏi giấy tờ. Thì ra đến đó chúng tôi mới vỡ lẽ, sở dĩ không ai cho chúng tôi quá giang là vì người ta ngại cho mình lên xe người ta để qua biên-giới. Người ta đâu biết là trên mình mình có cái gì, biết đâu có đồ lậu hay ma tuý thì làm sao người ta giải-thích được cho các lính gác hay đoan ở biên-giới.

Qua được hầm rồi, trời đã khuya thật khuya và thời-tiết lạnh buốt xương da. Ông anh tôi còn hút thuốc nên đỡ phần nào, riêng tôi thì hoàn-toàn không thuốc lá, không rượu chè nên cứ cắn răng mà chịu. Vì thế cứ phải cố gắng đi cho ấm người nhưng cuối cùng, chịu không thấu, hai anh em mới rủ nhau đi tìm một chỗ nào trú gió. Chung quanh là đồng không mông quạnh, không thấy đến một nóc nhà. Mãi chúng tôi mới tìm thấy một góc tường ở giữa ruộng, nghĩ là có thể nép vào đó mà tránh được gió núi đang rít từng cơn. Chúng tôi dựa vào nhau để truyền chút hơi ấm, anh tôi lấy bật lửa ra châm đốt một tờ báo mang theo từ sáng song cũng chỉ được phừng lên một chút ánh sáng nóng rồi lại tắt ngúm. Cố ngủ vì quá mệt song cũng chỉ ngủ được chừng 5-10 phút rồi cũng phải bật dậy vì quá lạnh. Còn đang phân vân chưa biết làm sao thì tự-nhiên thấy có một ánh đèn pin soi về phía mình. Chưa rõ là cái gì thì bỗng thấy hai nòng súng của một khẩu súng trường hai nòng chĩa thẳng vào người chúng tôi. Hỏi: “Chúng mày đang làm gì? Qu’est-ce que vous faîtes ici?” Vội đáp: “Chúng tôi độ đường, tìm cách trú vào đây!” Đã tưởng ông ta sẽ nhủ lòng thương hại mà cho vào nhà nhưng rồi ông ta chỉ nhìn từ trên đầu xuống đến chân chúng tôi, chắc cũng để đánh giá chúng tôi không phải là kẻ cắp nên nói: “Alors, vous allez décamper, non?” (“Các anh không bán xới đi à?”)

Lúc bấy giờ, khoảng độ 4 giờ sáng. Nghĩ cố ngồi thêm cũng chẳng được vì quá lạnh, hai anh em lại rủ nhau lên đường mong là đi lại một lúc thì thân-nhiệt sẽ toả ra cho bớt lạnh. Nhưng không hẳn, trời vẫn còn khuya và lạnh buốt, gió vẫn rít từng hồi mà là gió núi nên buốt đến tận tâm can, xương tuỷ. Cố chịu trận được một lúc khá lâu thì trời cũng bắt đầu tờ mờ sáng. Đến khoảng độ 6 giờ thì bắt đầu có xe đi lại, hai anh em vội đứng ra làm dấu xin quá giang. Nhưng hoàn-toàn thất bại.

Ức nhất và không thể hiểu được là gần đó cũng có một cô con gái tóc blonde ra vẫy, tức thì có xe ki…ít đậu lại ngay cho lên. Những lúc này mới thấy là người ta khôn. Xe vừa đậu lại, tức thì ở trong một lùm cây gần đó có ngay một anh con trai vác va-ly chạy ra theo cô gái xin đi cùng. Thì hoá ra họ đi theo cặp, cô con gái đứng ra làm mồi, khi xe đậu lại là anh con trai hiện ra liền để đi theo và bảo vệ cô bồ của mình.

Không phải chỉ có một trường-hợp, trong ngày hôm đó chúng tôi chứng-kiến ít ra là hai ba cặp làm như vậy. Và họ hoàn-toàn thành công.

Trong khi chúng tôi chờ từ sáng đến chiều, không thấy ai cho lên cả. Còn đang phân vân chưa biết tính sao vì trời lại bắt đầu tối, sợ lại phải qua một đêm lạnh buốt thì bỗng có một cái xe Citroën Sport trờ tới, đậu lại và hỏi: “Lên không?” Mừng hết lớn, chúng tôi vội vàng nhảy lên và cám ơn rối rít. Tức thì người chủ xe hỏi: “Các anh biết tại sao tôi ngừng lại cho hai anh lên không?” Khi chúng tôi trả lời không thì ông ta mới giải-thích: “Các anh biết không? Tôi đi làm buổi sáng, khoảng 7 giờ tôi qua đây đã thấy hai anh. Giờ chiều về, tôi vẫn còn thấy hai anh ở đây nên tội quá mới cho hai anh lên. David, dis bonjour à ces messieurs.”

David là tên thằng con đi cùng xe với bố, chừng 9 tuổi. Nói chuyện qua lại một hồi, chúng tôi bắt đầu thân mật. Ông bố hỏi thăm chúng tôi học gì, học ở đâu. (Tôi học ở Mỹ còn anh tôi học ở Anh.) Rồi lang bang sang chuyện chính-trị, chính em, chính-tình thế-giới, rồi đến văn-chương, khoa-học, triết-lý v.v. Đang nói huyên thuyên, bỗng chúng tôi nghe đến cái bốp! Thì ra ông ta bớp đứa con: “David, tu vois? Ces messieurs là ne sont même pas français et pourtant, ils parlent français si bien. Alors que toi, tu es un fainéant et ne fous rien.” (“David, mày thấy không? Mấy ông đây đâu có phải là người Pháp mà họ nói tiếng Pháp ngon lành. Còn mày thì mày lười lĩnh, chẳng làm gì cả.”)

Chúng tôi đâm ra ái ngại cho thằng nhỏ, nghĩ bụng chắc nó sẽ hận thù mình suốt đời. Chúng tôi cũng phải cố nói mấy lời an ủi, cho rằng tuổi trẻ thì đôi khi ham chơi một chút thôi chứ không có sao. Chuyến quá giang này là một chuyến vĩ đại vì chúng tôi được đưa tuốt luốt một mạch từ trên núi về đến Lyon, cách xa đó gần 400 cây số.

Ngủ ở vườn hoa, ở ga xe lửa

Đêm hôm đó ở Lyon, chúng tôi cũng vẫn không có nhà nào để đến tá túc. Tiền vào “auberge de la jeunesse” lấy đâu ra, bèn tìm đường ra công-viên ngủ. Tưởng ở đây cũng dễ như ở bên Ý. Nào ngờ, vừa đặt lưng xuống được một chút thì đã có cảnh-sát đến đuổi đi: “Allez, allez!” Lúc đầu còn chạy quanh, cảnh-sát đuổi mình ở góc này thì lại giả vờ đi rồi sang góc khác ngủ. Rồi cố ý làm ngơ, xem như mình ngủ say quá rồi không còn biết trời trăng gì nữa. Nhưng cảnh-sát cũng chẳng vừa. Sau khi đuổi hai ba lần chẳng xong, họ bắt đầu giở ngón nghề của họ. Lúc đầu họ còn chiếu đèn pin sáng loá vào mắt mình. Cố nhắm nghiền mắt lại ngủ tiếp. Thế là họ rút ở trong túi họ ra một cái súng nước bắn đầy nước vào ngay lỗ tai mình, thế là phải vội vã lồm cồm bò dậy… và hậm hực ra đi.

Được cái may, công-viên cũng gần nhà ga (nếu tôi nhớ không nhầm thì cái công-viên còn gọi là “Jardin de la Gare”) nên chúng tôi đi ra ga, giả vờ làm như chờ tàu rồi ngủ gà ngủ vịt. Nhưng thế cũng không yên vì chả mấy lúc có nhân-viên nhà ga đi lại hỏi, vé các anh đâu? Làm gì có vé để mà trưng ra nên lại bị đuổi. Thành thử đêm hôm đó, hai anh em chúng tôi khá vật vờ.

Đợi đến sáng sớm ra đường đi về hướng Paris xin autostop. Khá may, trời còn tờ mờ sáng đã có người đậu lại và cho lên. Thì ra đây là một bác VN làm ngành lục-lộ đã ở Pháp cả 40-50 năm rồi. Vừa lái xe, ông vừa kể chính ông là kỹ-sư coi sóc việc xây dựng đoạn đường đang đi nhưng cũng vì vậy, ông chỉ có thể cho chúng tôi đi được khoảng 50 cây số thôi, bởi đến đó là đoạn cuối đường ông phải tới làm việc hôm đó.

Còn đang bơ vơ chưa biết tính sao thì may quá, lại có một cái xe Volkswagen ngừng lại hỏi: “Các anh đi đâu?” “Chúng tôi đang tìm cách quá giang đi Paris.” “Thế thì lên đi.” Tưởng nhiều nhất là chỉ đi được một đoạn đường, nào ngờ anh bạn người Do-thái tốt bụng kia cho đi tuốt gần 800 cây số về luôn Paris. Thế là mọi khó khăn của chúng tôi tan biến.

Đến Paris, anh thả chúng tôi ở Paris V (Cinquième) gần vườn Luxembourg. Chúng tôi cám ơn anh và hẹn anh đi ăn cơm VN hôm sau để tạ ơn. Về Maison de l’Indochine, chúng tôi không thể sung sướng hơn được sau khi rũ hết bụi đường bằng một màn tắm kỵ cọ thật kỹ lưỡng. Và vui nhất là tiền cũng đợi chúng tôi ở đây: Thì hoá ra ông bạn anh tôi ở BBC, khi được điện-tín của ông anh, lại cứ nghĩ là gửi sang Áo thì muộn mất rồi nên bèn gửi thẳng sang Pháp. Ông đâu biết là vì nhờ sự hiểu lầm của ông mà anh em chúng tôi có dịp đi ngủ như ở hầu hết các công-viên ở miền Bắc nước Ý, rét gần chết lần băng biên-giới qua Pháp… nhưng rồi cũng học được không biết mấy sàng khôn và đo được lòng tốt của biết bao người!

Nguyễn Ngọc Bích
Nhớ lại sau gần nửa thế-kỷ
Đêm 12 tháng 1, 2011
Đồng Xuân, Bang Trinh-nữ
Hoa-kỳ-quốc

No comments:

Post a Comment